Mở những hướng đi

Thế giới đang cùng lúc phải đối mặt một loạt thách thức nghiêm trọng, với những cuộc “khủng hoảng kép” cả về an ninh và kinh tế cùng lúc diễn ra ở nhiều nơi. Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc (LHQ) và chính phủ các nước đã đồng loạt kêu gọi hành động khẩn cấp.

Ngăn chặn và đẩy lùi chủ nghĩa khủng bố quốc tế luôn là yêu cầu cấp thiết.
Ngăn chặn và đẩy lùi chủ nghĩa khủng bố quốc tế luôn là yêu cầu cấp thiết.

1 LHQ kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết chống khủng bố trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành trên toàn thế giới. Phát biểu tại phiên khai mạc cấp cao Tuần lễ chống khủng bố trực tuyến do LHQ tổ chức, Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét (A.Guterres) cho rằng, cũng giống như vi-rút, chủ nghĩa khủng bố lan truyền vượt mọi biên giới, tác động tới tất cả các quốc gia và chỉ có thể bị đánh bại nhờ sự đoàn kết hợp lực. Vì vậy, thế giới cần củng cố sức mạnh của chủ nghĩa đa phương, giúp tìm ra những biện pháp thiết thực.

Tổng Thư ký LHQ cảnh báo: Các tổ chức khủng bố, các tổ chức phát-xít mới, ủng hộ tư tưởng da trắng thượng đẳng và những nhóm kích động hận thù vẫn luôn tìm cách lợi dụng tình trạng xung đột, những lỗ hổng trong quản lý nhà nước để đạt được mục đích. Tổng Thư ký LHQ kêu gọi các quốc gia thành viên duy trì tinh thần chống khủng bố và có các biện pháp ứng phó sáng tạo để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

2 Ðại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Viên (Vienna-Áo), ông M.U-li-a-nốp (M.Ulyanov) nhấn mạnh: Những nước ký thỏa thuận hạt nhân với I-ran (Iran), được gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), cần tránh các tranh chấp không có kết quả và có khả năng gây tổn hại tới thỏa thuận. Ông M.U-li-a-nốp kêu gọi nỗ lực tối đa để bảo vệ thỏa thuận này.

Tuyên bố trên của ông M.U-li-a-nốp đưa ra nhằm phản đối ba nước châu Âu tham gia ký thỏa thuận là Ðức, Anh và Pháp muốn kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp (DRM) trong thỏa thuận. Ba nước trên thông báo cho Liên hiệp châu Âu (EU) rằng họ sẽ kích hoạt DRM - điều có thể dẫn tới việc khôi phục các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ đối với I-ran.  Bộ trưởng Ngoại giao I-ran M.Da-ríp (M.Zarif) đã gửi thư cho Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU G.Bo-ren (J.Borrell) nhấn mạnh những lo ngại của I-ran về các thực thi của Pháp, Ðức và Anh trong Ủy ban hỗn hợp giải quyết thỏa thuận.

3 Phòng Thương mại Mỹ và hơn 40 hiệp hội thương mại đã kêu gọi các quan chức nước này và Trung Quốc nỗ lực nhiều hơn nữa thực thi thỏa thuận thương mại giai đoạn một ký kết hồi đầu năm nay. Trong thư gửi Bộ Tài chính Mỹ X.Mnu-chin (S.Mnuchin), Ðại diện Thương mại Mỹ R.Lai-thai-dơ (R.Lighthizer) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, các tổ chức thương mại hoan nghênh những tiến triển thời gian qua trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung, đồng thời hối thúc Bắc Kinh tăng cường nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ như đã cam kết. Nội dung bức thư còn nhấn mạnh tới việc tăng cường thực thi thỏa thuận sẽ giúp hai nền kinh tế hàng đầu thế giới phục hồi vừa mở đường cho các cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn hai về những vấn đề chính như trợ cấp nhà nước, an ninh mạng, thương mại số hóa.

Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung gia tăng căng thẳng trong vài tháng gần đây liên quan tới tình hình dịch Covid-19. Tổng thống Mỹ từng nhắc tới khả năng thỏa thuận có thể đổ vỡ, trong khi Cố vấn Thương mại P.Na-va-rô (P.Navarro) cho rằng thỏa thuận thương mại song phương đã chấm dứt.

4 Bộ trưởng Nội vụ Ðức kêu gọi những người đồng cấp EU nhất trí về một giải pháp tốt hơn trong việc phân bổ lượng người di cư được giải cứu khi tìm cách vượt Ðịa Trung Hải đến các nước châu Âu. Ðức đang nỗ lực thúc đẩy áp đặt một quy chế phân bổ hạn ngạch để bắt buộc 27 nước thành viên EU tiếp nhận một lượng người di cư tại các nước I-ta-li-a (Italy), Hy Lạp hay Man-ta (Malta) - điểm đến đầu tiên của những người tị nạn, song nhiều quốc gia lại từ chối tiếp nhận những người di cư được giải cứu.

Từ năm 2015, EU đã thông qua chương trình phân bổ hạn ngạch người di cư với mục tiêu tái định cư cho 160.000 người tị nạn. Khi đó, Tòa án Công lý châu Âu (CJE) của EU đã yêu cầu các nước trong khối chung tay giải quyết vấn đề này trên cơ sở nhận một lượng người di cư nhất định. Trong khi các nước có tiềm lực kinh tế như Ðức nhận 20%, Pháp nhận 15% thì các nước Ðông Âu chỉ nhận khoảng 1% đến 2%. Tuy nhiên, kế hoạch phân bổ trên vấp phải sự phản đối quyết liệt của các nước Trung và Ðông Âu, trong đó có Séc (Czech), Xlô-va-ki-a (Slovakia), Ru-ma-ni (Romania) và Hung-ga-ri (Hungary). Nhóm bốn nước trên luôn giữ quan điểm cứng rắn đối với việc tiếp nhận người di cư, cho rằng vấn đề này đe dọa đến ổn định của châu Âu.

Mở những hướng đi -0
Châu Âu vẫn không ngừng phải đón nhận những dòng người vượt biển tị nạn.