Mâu thuẫn gay gắt

Các biện pháp trừng phạt gia tăng, đàm phán giữa các bên rơi vào “bước đường cùng”, lợi ích quốc gia bị xâm hại… và những làn sóng chỉ trích đã dâng cao. Khi các bên không thể tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề song phương và đa phương, rất khó để nói đến hòa bình, phát triển.

Mâu thuẫn gay gắt

1 Tổng thống Mỹ Ð.Trăm (D.Trump) tuyên bố: Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ áp đặt với I-ran (Iran) là “các biện pháp hà khắc nhất từ trước đến nay”, đồng thời nhấn mạnh “bất kỳ ai làm ăn với I-ran sẽ không được làm ăn với Mỹ”. Các biện pháp trừng phạt đợt đầu của Mỹ có hiệu lực từ ngày 7-8 nhằm vào các giao dịch mua USD, vàng và các kim loại quý, cùng một số ngành công nghiệp chủ chốt như than, nhôm, thép và phần mềm sử dụng trong công nghiệp của I-ran. Dự kiến đến ngày 5-11, Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đợt hai nhằm vào các lĩnh vực cảng biển, năng lượng, vận tải biển và đóng tàu, các giao dịch dầu mỏ và các thỏa thuận kinh doanh giữa các thể chế tài chính nước ngoài với Ngân hàng trung ương I-ran.

Phản ứng về động thái trên của Mỹ, Tổng thống I-ran H.Ru-ha-ni (H.Rouhani) tuyên bố Tê-hê-ran (Tehran) “sẽ khiến Mỹ phải hối tiếc”. Nhà lãnh đạo I-ran cho rằng đề nghị của Tổng thống Mỹ Ð.Trăm đàm phán trực tiếp với Tê-hê-ran là một chiêu trò và chỉ nhằm gây chia rẽ ở I-ran. Ông Ru-ha-ni nhấn mạnh: Ðàm phán trong khi áp đặt trừng phạt không có ý nghĩa gì, và chính quyền Mỹ “không đáng tin cậy để tiến hành bất cứ cuộc đàm phán nào”.

2 Ủy ban Hòa bình châu Á - Thái Bình Dương thuộc đảng Lao động cầm quyền ở Triều Tiên đã công bố Sách trắng mang tựa đề “Vén màn đen động thái ngầm của Mỹ và Nhật Bản gia hạn thỏa thuận hạt nhân”, trong đó chỉ trích thỏa thuận hạt nhân này, đồng thời cho rằng Tô-ki-ô (Tokyo) đã tích trữ một lượng lớn plutoni để theo đuổi việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Tháng 7-2018, thỏa thuận hạt nhân ký năm 1988 giữa Mỹ và Nhật Bản tự động được gia hạn. Thỏa thuận này cho phép Nhật Bản tái chế thanh nhiên liệu đã sử dụng và chiết xuất plutoni, mặc dù nước này giới hạn việc sử dụng năng lượng hạt nhân chỉ vì các mục đích hòa bình, như sản xuất điện.

Ủy ban Hòa bình châu Á - Thái Bình Dương chỉ trích Mỹ duy trì nguyên tắc “hai mặt” trong vấn đề hạt nhân. Oa-sinh-tơn (Washington) đang gia tăng sức ép buộc Bình Nhưỡng thực hiện các bước đi cụ thể trong tiến trình phi hạt nhân hóa, trong khi Triều Tiên yêu cầu Mỹ trước hết đồng ý với kế hoạch chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên đã kéo dài 65 năm qua.

3 Việc Liên hiệp châu Âu (EU) không chịu nhượng bộ trong tiến trình đàm phán Anh rời khỏi EU (Brexit), theo Bộ trưởng Thương mại Anh L.Phoóc (L.Fox), đang đẩy Luân Ðôn tới viễn cảnh rời khỏi khối thị trường chung này mà không có bất cứ thỏa thuận nào. Theo ông Phoóc, khả năng đó lên tới 60%, và việc đạt được thỏa thuận Brexit hay không tùy thuộc vào quyết định của EU.

Mâu thuẫn gay gắt ảnh 1

Tuyên bố của ông Fox được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy tám tháng nữa là tới thời điểm Anh rời khỏi EU, trong khi hai bên vẫn chưa thống nhất quan điểm về một thỏa thuận “ly hôn”. Nếu không đạt được bất cứ thỏa thuận chính thức nào, Anh sẽ khôi phục việc tuân thủ quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, điều này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng tới nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, bởi hoạt động giao thương của Anh với EU, thị trường lớn nhất của nước này, sẽ không còn được hưởng ưu đãi thuế quan trong khối thị trường chung.

4 Cơ quan chống tham nhũng Ma-lai-xi-a (Malaysia) cho biết cựu Thủ tướng N.Ra-dắc (N.Razak), ngoài tham nhũng, sẽ bị buộc tội rửa tiền do dính líu đến một vụ bê bối nhiều tỷ USD của Quỹ Ðầu tư nhà nước 1Malaysia (1MDB).

Trước đó, ông Ra-dắc đã bị bắt giữ và bị Tòa thượng thẩm Cu-a-la Lăm-pơ (Kuala Lumpur) buộc tội với ba tội danh về lạm dụng tín nhiệm, cùng một tội danh về lạm dụng quyền lực liên quan đến số tiền chuyển khoản trị giá hơn 10 triệu USD từ SRC International, một công ty con của Quỹ 1MDB, vào tài khoản cá nhân của ông. 1MDB là quỹ đầu tư do cựu Thủ tướng Ra-dắc sáng lập năm 2009 nhằm phát triển kinh tế - xã hội thông qua quan hệ đối tác toàn cầu và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, quỹ này là trung tâm của vụ bê bối thất thoát 3,7 tỷ USD, được cho là tiền tham nhũng và chuyển ra nước ngoài để rửa tiền, dẫn đến một loạt cuộc điều tra ở một số nước.