Mâu thuẫn, bất đồng

Những cáo buộc đã liên tiếp được đưa ra trên các “mặt trận” từ chính trị, kinh tế đến công nghệ. Điều này phản ánh một thực tế là trong thế giới mà chúng ta đang sống hiện vẫn tồn tại quá nhều mâu thuẫn, bất đồng và nếu các mối quan hệ giữa các quốc gia, các đối tác không được kiểm soát tốt thì những cuộc chiến có thể nổ ra bất cứ lúc nào.

Mâu thuẫn, bất đồng

1 Tổng thống I-ran (Iran) H.Ru-ha-ni (H.Rouhani) đã mô tả các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào I-ran là một cuộc chiến tranh kinh tế, đồng thời nhấn mạnh “cuộc chiến tranh kinh tế luôn khó khăn hơn cuộc chiến tranh quân sự”. Nhà lãnh đạo I-ran đã đưa ra tuyên bố trên trong bài phát biểu tại lễ khánh thành giai đoạn 3 hoàn tất dự án xây dựng Nhà máy lọc dầu Persian Gulf Star tại phía nam thành phố cảng Ban-đa Áp-bát (Bandar Abbas). Nhà máy này bắt đầu được khởi công xây dựng vào năm 2006 và hiện có công suất là 400.000 thùng/ngày, chiếm khoảng 20% trong tổng công suất 2,1 triệu thùng/ngày của I-ran. Ông Ru-ha-ni coi đây là thành tích đáng trân trọng mà I-ran đạt được bất chấp việc Mỹ cùng các nước đồng minh gia tăng sức ép đối với Tê-hê-ran (Tehran).

Mối quan hệ giữa Tê-hê-ran và Oa-sinh-tơn (Washington) gia tăng căng thẳng sau khi Tổng thống Mỹ Đ.Trăm (D.Trump) vào tháng 5-2018 quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân I-ran và tái áp đặt trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này. I-ran đã chỉ trích những đòi hỏi của Mỹ là “không thể chấp nhận được”, đồng thời lên án những chiến thuật “vô ích” mà Oa-sinh-tơn từng áp dụng trong quá khứ.

2 Thông báo về tình hình an ninh quốc gia trước Hạ viện Ô-xtrây-li-a (Australia), Thủ tướng X.Mô-ri-xơn (S.Morrison) cáo buộc chính phủ nước ngoài đứng sau vụ tin tặc tiến công mạng nhằm vào nước này. Thủ tướng Ô-xtrây-li-a cho biết, Trung tâm an ninh mạng quốc gia thông báo, mạng máy tính của các đảng chính trị lớn và quốc hội nước này hồi đầu tháng 2 đã trở thành mục tiêu tiến công của tin tặc được sự hỗ trợ của chính phủ nước ngoài.

Các cuộc tấn công mạng nói trên diễn ra chỉ vài tháng trước khi Ô-xtrây-li-a dự kiến tiến hành bầu cử vào giữa tháng 5 tới, do đó làm dấy lên quan ngại về nguy cơ tin tặc can thiệp bầu cử. Tuy nhiên, Thủ tướng X.Mô-ri-xơn nêu rõ không có bằng chứng nào cho thấy các vụ tiến công này dẫn đến can thiệp bầu cử. Ủy ban Bầu cử Ô-xtrây-li-a đã được cảnh báo và bất kỳ đảng chính trị nào cũng sẽ được hỗ trợ cần thiết để bảo vệ mạng máy tính của mình.

3 Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la (Venezuela) N.Ma-đu-rô (N.Maduro) cáo buộc Mỹ đã khiến quốc gia Nam Mỹ này tổn thất hàng chục tỷ USD thông qua các biện pháp trừng phạt, đồng thời cho rằng việc cung cấp hàng viện trợ là vỏ bọc cho “cuộc xâm lược quân sự có tính toán” của Mỹ. Những cáo buộc mới được Tổng thống Ma-đu-rô đưa ra trong bối cảnh hàng tấn hàng viện trợ của Mỹ đang được đưa tới khu vực biên giới Cô-lôm-bi-a (Colombia) giáp với Vê-nê-xu-ê-la. Tuy nhiên, Tổng thống Ma-đu-rô từ chối số hàng trên và lệnh cho quân đội chặn cầu biên giới giữa Vê-nê-xu-ê-la và Cô-lôm-bi-a.

Tổng thống Ma-đu-rô cũng chỉ trích thủ lĩnh phe đối lập G.Goa-i-đô (J.Guaido) là “con rối” của Mỹ và hành động thách thức chính quyền của ông này là “phản quốc”. Ông Ma-đu-rô cũng khẳng định sẵn sàng tiến hành cuộc đối thoại quốc gia được đa số các nước thành viên Nhóm tiếp xúc quốc tế về Vê-nê-xu-ê-la ủng hộ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Nam Mỹ này.

4 Một báo cáo của Quốc hội Anh ngày 18-2 gọi Tập đoàn công nghệ Facebook của Mỹ là “những tội phạm kỹ thuật số” khi cố tình vi phạm các luật về cạnh tranh và dữ liệu cá nhân. Cuộc điều tra kéo dài 18 tháng của các nhà lập pháp Anh về tin tức giả và thông tin sai lệch cũng cáo buộc Facebook không trung thực chống lại các nỗ lực gây ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử. Cho đến nay, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Facebook M.Dúc-cơ-bớc (M.Zuckerberg) đã ba lần từ chối ra điều trần trước Ủy ban Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao thuộc Hạ viện Anh.

Mâu thuẫn, bất đồng ảnh 1


Báo cáo của Quốc hội Anh chỉ trích các công ty như Facebook đứng bên ngoài pháp luật, đồng thời khẳng định các công ty mạng xã hội không thể tuyên bố mình chỉ là “nền tảng” và không có trách nhiệm điều chỉnh nội dung trên các trang mạng của mình. Ủy ban trên của Hạ viện Anh đề xuất một bộ quy tắc ứng xử bắt buộc cho tất cả các công ty công nghệ được giám sát bởi một cơ quan giám sát độc lập; đồng thời cho rằng Facebook cần có nghĩa vụ phải dỡ bỏ “các nguồn thông tin có nội dung độc hại” và thông tin sai lệch.