Lựa chọn chiến lược

Còn nhiều thách thức, song thế giới vẫn chứng kiến nhiều bước đi mang tính chiến lược, vì hòa bình và ổn định chung. Ít nhất, những gì diễn ra trong tuần qua cũng có thể xem là những gam màu tươi sáng hắt lên trên bức tranh toàn cảnh sự kiện quốc tế.

Lựa chọn chiến lược

1 ASEAN và Hàn Quốc đánh dấu 30 năm Quan hệ đối thoại và mở ra chặng đường 30 năm tới với “Tuyên bố Tầm nhìn chung vì hòa bình, thịnh vượng và đối tác”, được ký kết tại hội nghị cấp cao đặc biệt ở Bu-xan (Busan) của Hàn Quốc. Nhất trí xây dựng một “cộng đồng vì hòa bình, thịnh vượng, lấy người dân làm trung tâm”, ASEAN khẳng định tiếp tục đóng góp cho hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên; Hàn Quốc ủng hộ vai trò trung tâm của Hiệp hội và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Hai bên cũng tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư, kết nối doanh nghiệp, thúc đẩy quan hệ đối tác khởi nghiệp và đổi mới, phát triển bền vững.

Các bộ trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cũng tận dụng hai ngày họp tại Na-gô-y-a (Nagoya) của Nhật Bản để “xốc lại” tinh thần đa phương, nhằm thúc đẩy cải cách quản trị toàn cầu. G20 cam kết đi đầu trong nỗ lực cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các cơ chế thương mại đa phương, ngăn chặn xu hướng bảo hộ thương mại.

2 Cả Mỹ và Trung Quốc tuần qua đều có những nhận định tích cực về triển vọng ký thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1”, sau khi hai bên nhất trí tại vòng đàm phán ở Oa-sinh-tơn (Washington) hôm 13-11. Trong tuyên bố về ưu tiên chiến lược nhằm tránh xung đột thương mại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, Bắc Kinh muốn ký thỏa thuận với Oa-sinh-tơn, còn Tổng thống Mỹ Đ.Trăm (Donald Trump) cho rằng hai bên “đang đến rất gần” thỏa thuận đầu tiên và sớm bắt đầu đàm phán về “giai đoạn 2”.

Hàn Quốc cũng có quyết định mang tính chiến lược, đó là “hoãn có điều kiện” việc chấm dứt hiệu lực Hiệp định bảo đảm thông tin quân sự chung (GSOMIA) với Nhật Bản. Chưa được tiết lộ, song dù là “điều kiện” nào, thì việc GSOMIA được “giải cứu” ngay trước thời điểm hết hiệu lực đã loại bỏ nguy cơ sụp đổ liên minh quân sự Mỹ - Nhật - Hàn, trong bối cảnh an ninh khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, khó lường.

3 Trong khi đó, chính trường I-xra-en (Israel) tiếp tục bế tắc, sau thất bại liên tiếp của cả hai thủ lĩnh được ủy quyền lập chính phủ, đặt nước này trước nguy cơ phải tổ chức cuộc bầu cử thứ ba chỉ trong một năm. Quốc hội được trao nhiệm vụ tìm “người mới” để đứng ra lập chính phủ. Thủ tướng mãn nhiệm B.Nê-ta-ni-a-hu (Benjamin Netanyahu) rơi vào thế bất lợi, khi chính thức bị cáo buộc các tội danh liên quan tham nhũng, tuy nhiên không bị buộc phải từ chức; và đảng Likud tuyên bố sẽ bầu lãnh đạo mới để tham gia tranh cử.

Thủ tướng sắp mãn nhiệm ở Li-băng (Lebanon) A.Ha-ri-ri (Saad al-Hariri) cũng tuyên bố rút khỏi tư cách ứng cử viên thủ tướng, sau chưa đầy một tháng ông từ chức và được giao nhiệm vụ tiếp tục đứng ra thành lập chính phủ. Lựa chọn của ông Ha-ri-ri được hy vọng giúp khai thông tình trạng bế tắc chính trị, đưa Li-băng thoát khỏi khủng hoảng.

4 Tại khu vực Nam Mỹ, các nỗ lực nhằm khôi phục ổn định đã được thúc đẩy tại nhiều nước. Tổng thống tạm quyền Bô-li-vi-a (Bolivia) đã ký ban hành luật tổ chức bầu cử lại, theo đó hủy bỏ kết quả bầu tổng thống hôm 20-10 và cho phép tiến hành cuộc bầu cử mới trong vòng 120 ngày sau khi Tòa án Bầu cử tối cao ra quyết định. Tuy nhiên, luật mới cấm những người từng giữ chức tổng thống trong hai nhiệm kỳ trở lên tiếp tục tranh cử, đồng nghĩa loại bỏ khả năng ứng cử của
cựu Tổng thống Ê.Mô-ra-lết (Evo Morales).

Lựa chọn chiến lược ảnh 1


Trong khi đó, tại Cô-lôm-bi-a (Colombia), Tổng thống I.Đu-kê (Ivan Duque) đã khởi động cuộc “đối thoại quốc gia”, trong nỗ lực chấm dứt làn sóng biểu tình chống chính phủ lan rộng trên cả nước. Các cuộc biểu tình leo thang cùng cuộc tổng đình công khiến giới chức Thủ đô Bô-gô-ta (Bogota) phải phát lệnh giới nghiêm; bạo loạn, đụng độ khiến ba người chết, hàng trăm người bị thương.