Lửa cháy phía chân trời

Nợ nần gia tăng, kinh tế suy giảm, nghèo đói và thiên tai lan rộng… là những thông điệp đáng báo động đòi hỏi người dân và các chính phủ phải thực hiện một loạt “việc cần làm ngay”, để cứu vãn tình thế trước khi quá muộn.

Đồng hồ nợ công của Mỹ đang tiệm cận mức trần.
Đồng hồ nợ công của Mỹ đang tiệm cận mức trần.

1. Chính phủ và Quốc hội Mỹ đang tiến gần tới một thỏa thuận về việc nâng mức trần nợ công. Tuyên bố trên được Bộ trưởng Tài chính X.Mnu-chin (S.Mnuchin) đưa ra trong bối cảnh nợ công của nước này đã chạm ngưỡng 22.000 tỷ USD giới hạn nợ công do Quốc hội đặt ra, và Chính phủ Mỹ đối diện nguy cơ cạn kiệt ngân sách hoạt động vào đầu tháng 9 tới.

Bộ trưởng Mnu-chin cho rằng: Tất cả các bên đều mong muốn đạt được thỏa thuận về vấn đề này, dù “những thỏa thuận này rất phức tạp”. Ông kêu gọi Quốc hội nên nhanh chóng nâng mức trần nợ công và hối thúc các nghị sĩ sớm đưa ra quyết định về vấn đề nâng trần nợ trước kỳ nghỉ vào tháng 8 tới. Kể từ tháng 3 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tái phân bổ lại ngân sách hoạt động cho chính phủ, sau khi chạm ngưỡng 22.000 tỷ USD giới hạn nợ công do Quốc hội đặt ra. Họ cảnh báo: Nếu không tăng mức giới hạn vay nợ, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể lần đầu bị vỡ nợ. Mức trần nợ công của Mỹ trước đó được quy định là 20.500 tỷ USD.

2. Ngân hàng Citibank Thái-lan đã điều chỉnh kết quả phân tích mới nhất về kinh tế toàn cầu, theo đó dự báo kinh tế toàn cầu giảm tốc nhẹ do tác động của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Chuyên gia kinh tế của Citibank Thái-lan N.Chút-chô-tị-thăm (N.Chutchotitham) cho rằng nền kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng 2,9% trong năm nay, thấp hơn mức 3,2% của năm 2018, do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cùng với những dấu hiệu yếu đi của đồng USD do sự đi xuống của nền kinh tế Mỹ, và khả năng nới lỏng các biện pháp tài chính của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) làm cho các đồng tiền khác mất giá.

Do tác động của các điều kiện trên, Citibank đã hạ mức dự đoán tăng trưởng của nền kinh tế Thái-lan trong năm 2019 từ mức 3,8% xuống 3,3%, đồng thời hối thúc chính phủ mới có các biện pháp kích thích nền kinh tế nội địa để bù đắp sự giảm tốc trong lĩnh vực xuất khẩu và du lịch, đồng thời phải tăng tốc các dự án đang chờ như Hành lang kinh tế phía Đông và các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, Citibank dự báo nền kinh tế Thái-lan sẽ phục hồi nhẹ vào năm 2020 với mức tăng trưởng 3,7%.

3. Theo báo cáo “Tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng toàn cầu” do Tổ chức Nông Lương (FAO) và các cơ quan khác của Liên hợp quốc (LHQ), bao gồm cả Tổ chức Y tế thế giới (WTO) phối hợp thực hiện, hơn 821 triệu người dân trên toàn thế giới rơi vào cảnh thiếu ăn trong năm 2018, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp con số này gia tăng. Sau nhiều thập niên liên tục giảm, số người rơi vào cảnh đói kém tăng trở lại vào năm 2015, chủ yếu do biến đổi khí hậu và chiến tranh. Việc đảo ngược xu hướng này là một trong các Mục tiêu Phát triển bền vững tới năm 2030 đã được LHQ vạch ra. Nhưng, báo cáo mới của LHQ cho thấy tương lai một thế giới không còn cảnh đói kém hiện vẫn xa vời, khi số người không đủ ăn tiếp tục tăng từ 811 triệu người năm 2017 lên 821 triệu người năm 2018.

Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực thế giới Đ.Bi-xli (D.Beasley) dự đoán thế giới sẽ không thể đạt mục tiêu xóa đói vào năm 2030. Ông cho rằng đây là một xu hướng tồi tệ, bởi không bảo đảm an ninh lương thực thì thế giới sẽ không thể hòa bình và ổn định. LHQ cũng cảnh báo: Các tổ chức cực đoan đang biến tình trạng thiếu ăn và kiểm soát nguồn cung cấp thành vũ khí để chia rẽ các cộng đồng hoặc tuyển mộ thành viên mới.

4. “Giặc lửa” tuần qua đã tiến công khu cắm trại nổi tiếng của Pháp ở Ác-giơ-le Xuya Me (Argeles-sur-Mer), ngoại ô thành phố Péc-pi-nhăng (Perpignan) gần biên giới với Tây Ban Nha - nơi được mệnh danh là “thủ đô cắm trại của nước Pháp”.

Giới chức địa phương đã sơ tán hàng nghìn người khỏi địa điểm cắm trại rộng lớn ở miền nam nước Pháp này, do nguy cơ cháy rừng lan rộng. Trước đó, giới chức địa phương phải huy động hai máy bay phun nước và khoảng 30 phương tiện cứu hỏa đến để dập tắt một đám cháy rừng. Tuy nhiên, các cơn gió mạnh với sức gió lên tới 70 km/giờ khiến công tác cứu hỏa gặp rất nhiều khó khăn (ảnh dưới).

Lửa cháy phía chân trời ảnh 1