Lời giải nào cho những bài toán khó?

Các cường quốc G7 vẫn bất đồng trong nhiều vấn đề. Quan hệ đồng minh NATO tiếp tục chìm trong “mùa đông giá lạnh”. Các nước A-rập (Arab) chưa đồng thuận về đối sách với Mỹ trong vấn đề cao nguyên Gô-lan (Golan). Còn Mỹ và I-ran (Iran) lại đối đầu trong cuộc chiến mới, cáo buộc nhau hỗ trợ khủng bố. Nhiều bài toán khó vẫn chờ lời giải.

Lời giải nào cho những bài toán khó?

1 Không phải mới xuất hiện, rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu trong NATO đã bộc lộ rõ rệt hơn trong tuần qua. Lẽ ra là dịp để NATO tung hô thành tựu hợp tác bảo đảm an ninh châu Âu, song lễ kỷ niệm tròn 70 năm liên minh quân sự này ra đời lại cho thấy rõ tình trạng lục đục nội bộ, khi không được đánh dấu như thường lệ bằng cuộc gặp giữa lãnh đạo các nước thành viên, mà bị “hạ cấp” chỉ với một hội nghị cấp bộ trưởng. Biểu hiện chia rẽ rõ nhất là những phát biểu của Tổng thống Mỹ Ð.Trăm (Donald Trump) chỉ trích các đồng minh bên kia Ðại Tây Dương, về mức chi ngân sách quốc phòng và chia sẻ “hóa đơn quân sự” của NATO.

Tương tự, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G7 tuần qua cũng chứng kiến sự chia rẽ giữa các cường quốc. Không khí hội nghị bị phủ bóng bởi mối lo tái diễn kịch bản Hội nghị cấp cao G7 năm ngoái tại Ca-na-đa (Canada), khi Tổng thống Mỹ bất đồng với người đồng cấp nước chủ nhà, sớm rời hội nghị và không ký tuyên bố chung. Lần này, Pháp đã thu hẹp đáng kể tham vọng trong chương trình thảo luận, song các bộ trưởng G7 cũng chỉ đạt đồng thuận trong một vài vấn đề cấp bách, như xung đột nguy hiểm ở Li-bi. Bất đồng vẫn nổi lên quanh một loạt bước đi mới của Mỹ, nhất là quyết định công nhận chủ quyền của I-xra-en (Israel) đối với cao nguyên Gô-lan.

2 Ngay chính các nước A-rập, bên liên quan trực tiếp trong vấn đề Gô-lan - vùng lãnh thổ I-xra-en chiếm đóng của Xy-ri (Syria) năm 1967, cũng không nhất trí được một dự thảo nghị quyết LHQ nhằm lên án Mỹ. Nhiều nước A-rập không muốn quan hệ đồng minh với Mỹ rạn nứt thêm nữa, nên chọn giải pháp trì hoãn phản ứng, với lập luận: “Không cần thêm một nghị quyết LHQ kêu gọi I-xra-en rút khỏi cao nguyên Gô-lan”.

Dư luận còn chưa hết bất ngờ về việc Mỹ công nhận chủ quyền của I-xra-en ở Gô-lan, Tổng thống Ð.Trăm lại tiếp tục có bước đi gây tranh cãi. Lần này là với I-ran, cụ thể là liệt Lực lượng vệ binh cách mạng I-ran (IRGC) vào danh sách “tổ chức khủng bố”. Cho rằng IRGC là lực lượng chính của I-ran thực thi chính sách hỗ trợ các nhóm cực đoan và quân nổi dậy ở khu vực, Mỹ đã lần đầu coi quân đội của một quốc gia là tổ chức khủng bố. Ðộng thái “vô tiền khoáng hậu” này tất nhiên vấp phải sự đáp trả của I-ran, bằng việc coi các lực lượng của Mỹ tại Tây Á, Trung Ðông cũng là “tổ chức khủng bố”, thậm chí chẳng khác gì lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Thế đối đầu Mỹ - I-ran vốn đã như “bài toán khó”, nay lại bị đẩy lên nấc cao mới.

3 Chuyến thăm đặc biệt của Tổng thống R.Éc-đô-gan (Recep Tayyip Erdogan) tới Nga hé lộ khả năng “thoát hiểm” của Thổ Nhĩ Kỳ trước sức ép của Mỹ. Lựa chọn mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga hay loạt máy bay F-35 của Mỹ không phải quá khó, mà “bài toán khó” của An-ca-ra (Ankara) là chống chọi sức ép của đồng minh Oa-sinh-tơn (Washington), để xích lại gần hơn với đối tác Mát-xcơ-va (Moscow). Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Nga gần như về con số 0 sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga ở biên giới Xy-ri gần bốn năm trước, song lại được nhanh chóng cải thiện, nhất là thiện chí từ phía Thổ Nhĩ Kỳ. Quan hệ đối tác giữa hai nước có nền tảng vững chắc là chia sẻ lợi ích, không chỉ về kinh tế, mà quan trọng và cấp bách hơn là cuộc chiến chống khủng bố, nhất là ở Xy-ri hiện nay.

Lời giải nào cho những bài toán khó? ảnh 1

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng tại Li-bi (Libya) bất ngờ tái xuất hiện, trong bối cảnh LHQ ráo riết chuẩn bị tổ chức một hội nghị dân tộc, nhằm đưa các bên xung đột ngồi vào bàn đàm phán nhằm giải “bài toán khó”. Giao tranh dữ dội bùng phát ở thủ đô Tri-pô-li (Tripoli) trùng thời điểm chuyến ngoại giao con thoi của Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét (Antonio Guterres) ở khu vực nhằm tìm kiếm sự ủng hộ cho tiến trình hòa bình, hòa giải ở Li-bi.