Khơi thông dòng đối thoại

Thế giới tuần qua chứng kiến kết quả đầu tiên của những nỗ lực khơi thông bế tắc trong đối thoại, nhằm giảm căng thẳng. Nhiều nút thắt gai góc, rối như “mớ bòng bong”, liên quan an ninh, tiến trình Brexit, hay xung đột thương mại... đã tìm được mối gỡ, cho dù phía trước còn nhiều khó khăn.

1 Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc hạ nhiệt, sau khi hai bên chính thức xác nhận đạt “thỏa thuận giai đoạn 1”. Là kết quả quá trình thương lượng cam go, thỏa thuận lịch sử này đã “vô hiệu hóa” hạn chót ngày 15-12 Mỹ áp dụng đòn thuế quan mới với lượng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 160 tỷ USD. Mỹ cũng đồng ý giảm một nửa mức thuế đã áp với lượng hàng hóa trị giá 120 tỷ USD của Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc cam kết chi 50 tỷ USD mua nông sản của Mỹ, đồng thời mở cửa thị trường dịch vụ và siết chặt các quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Thỏa thuận trên đưa xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới tạm rời “vạch đỏ”, song nguy cơ căng thẳng trở lại vẫn rất lớn. Bất đồng trong lĩnh vực công nghệ sẽ là một trong những trở ngại trong tiến trình đối thoại hướng tới một giải pháp toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc.

2 Tương tự, bế tắc đối thoại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã được khơi thông sau khi giới chức cấp cao hai bên tiến hành cuộc đàm phán thương mại tại Tô-ki-ô (Tokyo), lần đầu sau ba năm trì trệ (ảnh bên). Chưa có kết quả đột phá, song cuộc đàm phán đã giúp hai bên bày tỏ quan điểm và thảo luận về hệ thống kiểm soát xuất khẩu, gồm cả các vấn đề “công nghệ nhạy cảm”. Đây là bước khởi động nỗ lực mới nhằm giải quyết tranh cãi thương mại kéo dài, có thể phá hỏng quan hệ kinh tế hai nước cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu.

Khơi thông dòng đối thoại ảnh 1

Trong khi đó, đặc phái viên Mỹ có chuyến thăm khu vực Đông - Bắc Á, nhằm tìm kiếm cách thức khai thông bế tắc trong đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Sau hai sự kiện mà Bình Nhưỡng tuyên bố là “các vụ thử quan trọng”, lo ngại càng gia tăng về khả năng Mỹ và Triều Tiên để lỡ cơ hội khôi phục đàm phán vào cuối năm 2019. Nga và Trung Quốc cùng dự thảo một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, đề nghị chấm dứt một số biện pháp trừng phạt, giúp cải thiện đời sống của người dân Triều Tiên.

3 Tiến trình Brexit ở nước Anh trở nên rõ rệt, thuận lợi hơn sau chiến thắng ngoạn mục của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử trước hạn, còn được xem như cuộc “bỏ phiếu Brexit”. Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn (Boris Johnson) ngay lập tức lên lịch “100 ngày đầu tiên” cho chính phủ, với hai mục tiêu đầy tham vọng: Brexit đúng hạn chót ngày 31-1-2020 và ký thỏa thuận thương mại song phương với Liên hiệp châu Âu (EU) trước ngày 31-12-2020.

Với thế đa số quá bán của đảng cầm quyền hiện nay, mục tiêu Brexit đúng hẹn có nhiều khả năng đạt được với thỏa thuận Brexit được thông qua, khi Thủ tướng Giôn-xơn đưa văn kiện này trở lại Hạ viện. Song, mục tiêu Anh có được thỏa thuận với EU chỉ sau vỏn vẹn 11 tháng đàm phán còn nhiều khó khăn. Dù vậy nước Anh vẫn tự tin về kế hoạch này, khi Thủ tướng Giôn-xơn dựa vào “yếu tố cấp bách” để gây sức ép với EU, như cách ông từng lấy “Brexit cứng” để đổi lấy bản thỏa thuận Brexit sửa đổi vừa qua.

4 Trong khi đó, kéo dài thêm hai ngày họp tại thủ đô của Tây Ban Nha, song Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước LHQ về chống biến đổi khí hậu (COP25) vẫn không đạt kết quả kỳ vọng (ảnh dưới). Sau nhiều phiên thảo luận gay gắt, COP25 cũng chỉ ra được tuyên bố chung, thừa nhận “yêu cầu cấp thiết” của việc gia tăng các cam kết giảm khí thải CO2 để thu hẹp khoảng cách giữa mức thải khí hiện nay với mục tiêu trong Thỏa thuận Pa-ri (Paris) là kiềm chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất dưới ngưỡng 2 độ C.

Khơi thông dòng đối thoại ảnh 2

Đây được cho là kết quả gây thất vọng, bởi thay vì gửi đi thông điệp của các chính phủ sẵn sàng nâng gấp đôi các mục tiêu và nỗ lực, thì hội nghị lại chứng kiến sự chia rẽ vốn có giữa các nước giàu và các quốc gia đang phát triển, với tranh cãi gay gắt về bên nào nên cắt giảm khí thải trước và con số cụ thể là bao nhiêu, cũng như cách thức phân chia gánh nặng tài chính hàng nghìn tỷ USD cần thiết để giúp hành tinh thích ứng biến đổi khí hậu.