Hiểm họa chực chờ

Những tuyên bố bạo lực đã được đưa ra; mối đe dọa từ các thách thức an ninh phi truyền thống đang ngày một nghiêm trọng. Những mối họa lớn xuất hiện ngày càng nhiều và việc ngăn chặn chúng đang đòi hỏi các quốc gia phải đoàn kết, liên hiệp lại trên những “mặt trận” chung.

Hiểm họa chực chờ

1 Tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) tuyên bố thực hiện vụ tiến công nhằm vào các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn tại thành phố Man-bíp (Manbij), miền bắc Xy-ri (Syria). Thành phố này từng là một sào huyệt của IS trước khi hội đồng quân sự tại đây giành lại quyền kiểm soát với sự hỗ trợ của Các Lực lượng dân chủ Xy-ri (SDF). Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Xy-ri, đây là vụ tiến công đẫm máu nhất tại Man-bíp sau vụ tiến công liều chết hồi giữa tháng 1 vừa qua, khiến 19 người thiệt mạng, trong đó có bốn binh sĩ Mỹ.

Vụ tiến công xảy ra ít ngày sau khi Mỹ và SDF tuyên bố “dọn sạch” thành trì cuối cùng của IS ở miền đông Xy-ri. Ngày 23-3 vừa qua, SDF, nhóm vũ trang do người Cuốc (Kurd) đứng đầu được Mỹ hậu thuẫn tại Xy-ri, tuyên bố đã đánh bại hoàn toàn IS tại Xy-ri. Chiến thắng này là một cột mốc lớn trong cuộc chiến chống IS của các lực lượng trong khu vực và quốc tế trong suốt hơn bốn năm qua. Đây cũng được coi là một thời khắc quan trọng trong cuộc nội chiến đã bước sang năm thứ 9 tại Xy-ri, khi một trong những tổ chức nổi dậy khét tiếng với lực lượng lớn bị đánh bật khỏi quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, việc IS “phản công” cho thấy nguy cơ khủng bố vẫn còn đang hiện hữu.

2 Bộ Y tế CHDC Công-gô (Congo) vừa công bố số liệu cho thấy, gần 2/3 trong số hơn 1.000 ca nhiễm vi-rút E-bô-la (Ebola) tại nước này trong gần tám tháng qua đã tử vong. Theo bộ trên, kể từ khi phát hiện dịch bùng phát tại tỉnh Bắc Ki-vu (Kivu) ngày 1-8-2018 và sau đó lan sang tỉnh láng giềng I-tu-ri (Ituri), đã có 1.009 ca nhiễm bệnh, trong đó có tới 629 ca tử vong.

Theo trang mạng của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh của Mỹ, đây là đợt dịch gây tử vong lớn thứ hai trong lịch sử dịch bệnh E-bô-la. Năm 2014, dịch E-bô-la bùng phát tại ba nước châu Phi là Ghi-nê (Guinea), Li-bê-ri-a (Liberia) và Xi-ê-ra Lê-ôn (Sierra Leone) đã cướp đi sinh mạng của 11.308 người.

3 Trong báo cáo vừa công bố, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, lượng khí thải CO2 trong lĩnh vực năng lượng đã tăng lên mức cao kỷ lục trong năm 2018 do nhu cầu tiêu thụ năng lượng và việc sử dụng than đá gia tăng, chủ yếu ở các nước châu Á. Theo đó, lượng khí thải CO2 liên quan tới năng lượng đã tăng 1,7% so với năm 2017 lên 33 tỷ tấn, mức cao nhất trong sáu năm qua, trong đó khí thải từ hoạt động sản xuất điện năng chiếm gần 70%. Trong năm 2018, lượng khí thải CO2 từ than đá được sử dụng để sản xuất điện đã lần đầu vượt quá 10 tỷ tấn. Cũng theo báo cáo trên, nhu cầu năng lượng toàn cầu đã tăng 2,3% trong năm 2018, gần gấp đôi mức tăng trung bình kể từ năm 2010, chủ yếu do kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh mẽ và nhu cầu làm mát và sưởi ấm gia tăng ở nhiều khu vực trên thế giới.

Hiểm họa chực chờ ảnh 1


Ủy ban liên Chính phủ LHQ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho rằng, các nước cần phải giảm 50% lượng khí thải CO2 tới năm 2030 và đạt mức không khí thải vào năm 2050, để mức tăng nhiệt độ toàn cầu đạt mức giới hạn an toàn 1,50C. Khí thải CO2 là nguyên nhân chính khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu gia tăng.

4 Một phân tích của Cơ quan Thống kê quốc gia Anh (ONS) cho thấy, tự động hóa có thể tác động mạnh lên thị trường lao động trên thế giới, riêng ở Anh khoảng 1,5 triệu việc làm đứng trước nguy cơ cao sẽ bị tự động hóa trong tương lai. ONS phân tích việc làm của 20 triệu người tại Anh, tập trung vào các công việc có thể bị thay thế trong quá trình tự động hóa. Phân tích trên cho biết, 7,4% tổng việc làm có nguy cơ bị tự động hóa. Ba loại việc làm có nguy cơ bị tự động hóa cao nhất là hầu bàn, xếp đồ lên sạp hàng và bán hàng sơ cấp. Trong khi đó, các công việc đòi hỏi kỹ năng cao ít nguy cơ tự động hóa.

Tuy nhiên, tỷ lệ việc làm có nguy cơ cao bị tự động hóa nhìn chung giảm nhẹ giai đoạn 2011 - 2017, từ 8,1% xuống còn 7,4%, trong khi tỷ lệ việc làm chịu nguy cơ tự động hóa ở mức thấp hoặc trung bình đã tăng lên. Theo ONS, điều này chứng tỏ thị trường lao động có thể thay đổi sang những công việc đòi hỏi sự phức tạp hơn và ít kỹ năng lặp lại hơn.