Hé mở hy vọng

Những "cánh cửa hy vọng" về đàm phán để "giải nhiệt" căng thẳng trong quan hệ song phương, đẩy lùi dịch bệnh và cải thiện tình hình kinh tế đã được đẩy hé. Tuy nhiên, từ cơ hội đến thành công là cả một chặng đường dài, đòi hỏi các bên phải thể hiện thiện chí và nỗ lực vượt khó nhiều hơn nữa.

Ðại dịch có thể tác động tới tình trạng giảm phát tại Nhật Bản.
Ðại dịch có thể tác động tới tình trạng giảm phát tại Nhật Bản.

1 Tổng thống I-ran (Iran) H.Ru-ha-ni (H.Rouhani) để ngỏ khả năng đàm phán với Mỹ, nhưng với điều kiện Oa-sinh-tơn (Washington) phải quay trở lại thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015 giữa Tê-hê-ran (Tehran) và nhóm P5+1. Ông đồng thời khẳng định chính sách của Mỹ nhằm gây sức ép tối đa đối với I-ran đã "thất bại hoàn toàn".

Trước đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Ð.Trăm (D.Trump) đã kích hoạt "quy trình đảo ngược" nhằm tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) đối với I-ran, một bước đi bị cho là có thể phá hủy hoàn toàn thỏa thuận JCPOA. Quy trình này cho phép bất kỳ nước nào trong nhóm P5+1 đề xuất tái áp đặt các lệnh trừng phạt của LHQ đối với I-ran nếu Tê-hê-ran không tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận. Hiện 13/15 nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ đã bày tỏ phản đối quyết định tái áp đặt trừng phạt I-ran. Dù Mỹ đã đơn phương rút khỏi JCPOA năm 2018, nhưng chính quyền Oa-sinh-tơn cho rằng Mỹ có quyền khởi động cơ chế này.

2 Các chuyên gia kinh tế hàng đầu Nhật Bản nhận định: Bên cạnh các tác động tiêu cực, đại dịch Covid-19 có thể giải quyết tình trạng giảm phát tại Nhật Bản. Theo đánh giá của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), tác động của đại dịch đang thúc đẩy dòng tiền đổ vào nền kinh tế nước này và có thể thúc đẩy lạm phát, điều mà chính sách tiền tệ nới lỏng thực hiện trong nhiều năm qua ở nước này không thể làm được.

Trong nhiều năm qua, BOJ tích cực in tiền trong khuôn khổ chính sách nới lỏng định lượng nhằm thúc đẩy sức tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này và đạt tỷ lệ lạm phát ở mức 2%. Tuy nhiên, phần lớn tiền lại nằm trong các kho dự trữ của các thể chế tài chính thay vì đầu tư vào các hoạt động kinh tế, do các công ty Nhật Bản vẫn rất cẩn trọng trong thúc đẩy chi tiêu. Sau khi đại dịch bùng phát, tiền do BOJ in ra đang được cấp cho các hộ gia đình và công ty, trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản thúc đẩy chi tiêu và các ngân hàng thương mại tăng cường cho các công ty gặp khó khăn vay tiền.

Hé mở hy vọng -0
Tốc độ lây lan của đại dịch chậm dần tại Brazil.

3 Trong báo cáo trình lên Quốc hội Hàn Quốc, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Li In Y-ăng (Lee In-young) cho biết sẽ nỗ lực chuyển đổi cục diện, giải tỏa tình trạng bế tắc hiện nay trong quan hệ giữa hai miền Triều Tiên. Theo đó, Xơ-un (Seoul) sẽ mở dần không gian hợp tác giữa hai miền thông qua hoạt động viện trợ nhân đạo, giao lưu văn hóa, xã hội và các hoạt động giao thương nhỏ lẻ.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết sẽ nỗ lực tìm kiếm kênh đối thoại chính thức giữa hai bên, xúc tiến hợp tác thực chất với Triều Tiên trong các lĩnh vực như y tế, đối phó với thiên tai, khắc phục sự cố, môi trường, kết nối và hiện đại hóa các tuyến đường sắt và đường bộ liên Triều. Bên cạnh đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc sẽ chủ động hợp tác nhân đạo với Triều Tiên một cách nhất quán, tách biệt với tình hình chính trị và quân sự đồng thời tiếp tục hỗ trợ các dự án hợp tác giữa các tổ chức dân sự và chính quyền địa phương hai nước. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc sẽ tăng cường nỗ lực ngoại giao nhằm tiếp thêm động lực cho việc nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng, coi đây là một phần trong kế hoạch thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

4 Ðại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành trên khắp thế giới, song số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cho thấy tốc độ lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này có dấu hiệu chậm lại tại một số khu vực, đặc biệt là tại các nước ở châu Mỹ.

WHO cho biết ngoài khu vực Ðông - Nam Á và Ðông Ðịa Trung Hải, tất cả những khu vực còn lại đều ghi nhận sự sụt giảm số ca nhiễm mới. Châu Mỹ tiếp tục là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với số ca mắc và tử vong mới được ghi nhận tại đây trong tuần qua chiếm lần lượt 50% và 62% tổng số ca mắc và tử vong trên thế giới. Tuy nhiên, khu vực này lại ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất về số ca mắc lẫn ca tử vong mới, với mức giảm lần lượt 11% và 17% so với tuần trước đó, một phần do tốc độ lây lan chậm lại tại Mỹ và Bra-xin. Trong khi đó, WHO cũng cảnh báo một số nước và vùng lãnh thổ ở Ca-ri-bê (Caribbe) đã ghi nhận số ca mắc gia tăng liên quan tới hoạt động du lịch được nối lại.