Hành trình gian nan

Không có gì là dễ dàng. Kể cả khi những tia hy vọng đã lóe lên, vẫn luôn cần rất nhiều sự tập trung và nỗ lực, cho những vấn đề nảy sinh trong dòng chảy sự kiện quốc tế tuần qua.

Dòng người di cư Trung Mỹ. Ảnh: ABC News
Dòng người di cư Trung Mỹ. Ảnh: ABC News

1 Một năm trôi qua kể từ khi thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng bậc nhất thời đại, các nước vẫn đối mặt rủi ro khôn lường từ Covid-19. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sau những tuần cuối năm 2020, số ca bệnh giảm đôi chút; khép lại hai tuần đầu năm mới, thế giới lại có thêm cả chục triệu ca mắc. Tần suất ca nhiễm biến thể mới của SARS-CoV-2 ngày càng dày, càng khiến hành trình chống chọi Covid-19 thêm gian nan.
 
 Cuộc đua giành vắc-xin ngừa Covid-19 tăng tốc, khi nhiều nước khởi động chiến dịch tiêm chủng quốc gia. Sự bất bình đẳng qua đó lộ rõ hơn, khiến WHO gióng lên hồi chuông cảnh báo: Thế giới đang đến rất gần bờ vực thất bại của việc bảo đảm phân phối công bằng vắc-xin. Ước tính, gần 60% dân số thế giới đã được tiêm phòng, song 90% trong đó là ở 11 nước có thu nhập cao. Lãnh đạo WHO lên án “chủ nghĩa dân tộc vắc-xin”, thúc giục các nước giàu dành cơ hội tiếp cận cho các nước nghèo. Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các nước phát triển chia sẻ với các nước đang phát triển trên hành trình vượt qua đại dịch.
 
 2 Đại dịch Covid-19 hoành hành, biên giới đóng cửa và biện pháp hạn chế được siết chặt, phần nào giảm nhẹ tình trạng di cư tự phát. Song, sau thời gian dài im ắng, “đoàn lữ hành” gồm cả nghìn người di cư tuần trước đã xuất hiện trở lại ở khu vực Trung Mỹ. Covid-19 khiến kinh tế sa sút, áp lực xã hội gia tăng, lại thêm thiệt hại từ hai cơn bão Eta và Iota, đẩy người dân gia nhập “caravan di cư” hướng về biên giới Mỹ.
 
 Người di cư dịp này còn có thêm “niềm khích lệ” từ cam kết của tân Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn đảo chiều chính sách cứng rắn của người tiền nhiệm và thiết lập hệ thống nhập cư mới, công bằng và nhân đạo hơn. Đoàn người di cư hối hả di chuyển xuyên đêm đưa áp lực trở lại với các chính phủ trong khu vực, trong việc hợp tác giải quyết nguyên nhân gốc rễ khiến người di cư rời quê hương, liều mình trên hành trình “tìm giấc mơ Mỹ”.
 
 3 Trong thông điệp được cho là nhắm tới chính quyền mới ở Mỹ, tuần trước Nga thông báo kế hoạch rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở (OST), văn kiện quốc tế về hợp tác kiểm soát vũ khí toàn cầu mà Mỹ đã rút đi năm 2020. Mát-xcơ-va (Moscow) cũng nhắc lại kêu gọi Oa-sinh-tơn (Washington) khôi phục đối thoại nhằm gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới (còn gọi là START-3).
 
 Việc rút khỏi OST được Nga giải thích là do “thiếu tiến triển” trong việc duy trì Hiệp ước kể từ khi Mỹ rút đi; thế cân bằng lợi ích giữa các nước bị xáo trộn, trong khi các đề xuất của Nga về cải tổ OST trong bối cảnh chiến lược mới lại không được ủng hộ. NATO cảnh báo: Quyết định rút lui của Nga có thể làm suy yếu cơ chế kiểm soát vũ khí toàn cầu. Đức tuyên bố tiếp tục tuân thủ OST và kêu gọi Nga đối thoại, nhằm hiện đại hóa công cụ kiểm soát vũ khí và bảo đảm an ninh, ổn định ở châu Âu.
 
 4 Liên hiệp châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi động lại lộ trình “làm mới” quan hệ hai bên. Sau thông điệp từ lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ về thiện chí cải thiện quan hệ với EU, đầu tuần qua, Bộ trưởng Ngoại giao Đức đã đến An-ca-ra (Ankara).

Hành trình gian nan -0
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố sẵn sàng cải thiện quan hệ với EU. Ảnh dailysabah 

 Quan hệ EU - Thổ Nhĩ Kỳ vừa trải qua một năm sóng gió, liên quan hoạt động thăm dò dầu khí của An-ca-ra ở Đông Địa Trung Hải, vốn không chỉ vấp phải sự phản đối của Hy Lạp, dẫn đến các vụ va chạm tàu ở khu vực, mà còn đẩy căng thẳng giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ lên cao. Hy vọng hé mở đầu năm mới, khi Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định muốn đưa quan hệ hai bên trở lại quỹ đạo ổn định và khởi động đối thoại với Hy Lạp. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu EU và Thổ Nhĩ Kỳ đứng trước cánh cửa hy vọng. Trên hành trình đến hợp tác ổn định còn cần nhiều nỗ lực.