Hành động khẩn cấp

Máu đã đổ vì bạo lực, các tổ chức khủng bố có nguy cơ “mọc lên như cỏ dại”, trong khi nghèo đói, bất ổn và các thách thức an ninh phi truyền thống vẫn gay gắt. Thực tế trên đang đòi hỏi cộng đồng quốc tế và các chính phủ phải hành động khẩn cấp.

Hành động khẩn cấp

1 Sau các vụ xả súng đẫm máu tại Tếch-dát (Texas) và Ô-hai-ô (Ohio) làm gần 30 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương, Tổng thống Mỹ Ð.Trăm (D.Trump) đã có bài phát biểu trực tiếp trên sóng truyền hình với nội dung kêu gọi hành động khẩn cấp để ngăn chặn bạo lực súng đạn và cho rằng mọi người dân Mỹ cần phải “chỉ trích chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, lòng tin mù quáng và tư tưởng da trắng thượng đẳng”.

Trong bài phát biểu tại Nhà trắng, Tổng thống Trăm đã đưa ra hàng loạt lựa chọn chính sách, đồng thời cho rằng những tư tưởng độc hại phải bị ngăn chặn, cần cải cách luật sức khỏe tâm thần, giúp nhận diện những đối tượng có vấn đề về thần kinh, áp đặt án tử hình với những đối tượng giết người hàng loạt và phạm các tội danh thù hằn. Ông Trăm cũng cho biết đã chỉ thị cho Bộ Tư pháp nước này làm việc với các giới chức địa phương và các công ty truyền thông xã hội để nhận diện những kẻ xả súng trước khi chúng hành động. Chia sẻ trên Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ đã kêu gọi siết chặt kiểm tra tại chỗ những người mua súng, đề xuất hành động này có thể gắn với cải cách nhập cư.

2 Tại Cai-rô (Cairo), Tổng thống Ai Cập A.Xi-xi (A.Sisi) tuyên bố rằng chính phủ nước này quyết tâm “nhổ sạch tận gốc chủ nghĩa khủng bố”. Tuyên bố của người đứng đầu nhà nước Ai Cập được đưa ra sau khi xảy ra vụ cháy nổ gây nhiều thương vong khi một phương tiện chứa chất nổ va chạm với ba chiếc xe ô-tô khác ở gần Viện Ung bướu quốc gia ở Ma-ni-an (Manyal), trung tâm Thủ đô Cai-rô khiến ít nhất 20 người thiệt mạng. Bộ Nội vụ Ai Cập cho rằng nhóm khủng bố Hasm vốn có quan hệ với tổ chức Anh em Hồi giáo, đứng sau vụ nổ này.

Theo báo điện tử Ahram, trong một tuyên bố chính thức đăng trên tài khoản mạng xã hội Facebook, Tổng thống Xi-xi nhấn mạnh rằng, Nhà nước Ai Cập quyết tâm đánh bại “bọn khủng bố tàn bạo”. Tổng thống A.Xi-xi cũng bày tỏ chia buồn với người dân và gia đình của các nạn nhân trong vụ cháy nổ này.

3 Liên minh châu Phi (AU) kêu gọi các đối tác quốc tế tăng cường cung cấp các hỗ trợ cần thiết cho Xu-đăng (Sudan) trong giai đoạn chuyển tiếp, đồng thời hạn chế can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. AU cam kết sẽ giúp đỡ người dân và chính quyền Xu-đăng trong tiến trình tìm kiếm hòa bình, hòa giải và thịnh vượng.

Chủ tịch Ủy ban AU M.Ma-ha-mát (M.Mahamat) đánh giá cao việc Hội đồng quân sự chuyển tiếp (TMC) và Liên minh tự do và thay đổi (FFC) ở Xu-đăng vừa đạt được thỏa thuận về tuyên bố Hiến pháp. Ông M.Ma-ha-mát nhấn mạnh kết quả tích cực kể trên cho thấy các bên đã đặt lợi ích của đất nước lên trên hết, coi đây là nền tảng cho quá trình chuyển đổi dân chủ với một chính phủ dân sự và là thành tựu quan trọng đối với châu Phi trong nỗ lực tự giải quyết các vấn đề của chính châu lục này. TMC và FFC đã chính thức ký kết thoả thuận về tuyên bố Hiến pháp bao gồm việc thành lập chính phủ chuyển tiếp trong khoảng thời gian 39 tháng, cải cách hệ thống pháp lý, xây dựng và bảo đảm sự độc lập, thượng tôn pháp luật.

4 Khoảng 25% dân số thế giới đang đối mặt nguy cơ thiếu nước sinh hoạt và điều này đòi hỏi cộng đồng quốc tế, các chính phủ phải có hành động khẩn cấp để giải quyết vấn đề này. Theo kết quả nghiên cứu mới do Viện Nghiên cứu Tài nguyên thế giới (WRI) của Mỹ công bố, 17 quốc gia trên thế giới đang đối mặt nguy cơ thiếu nước rất cao vì đã tiêu thụ tới 80% lượng nước sẵn có hằng năm trong khi còn gần năm tháng nữa mới hết năm 2019. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng hơn khi biến đổi khí hậu làm gia tăng tần suất xảy ra các đợt khô hạn. Theo WRI, các nguồn cung nước trên thế giới bị đe dọa bởi nhiều yếu tố như biến đổi khí hậu hay quản lý sử dụng và xử lý ô nhiễm nước chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, thực trạng con người đang phụ thuộc nhiều vào nguồn nước ngầm vốn đang dần cạn kiệt cũng là yếu tố đe dọa nguồn cung nước. Ước tính, gần một phần ba lượng nước ngọt trên thế giới là nước ngầm nhưng con người đang quản lý sử dụng nguồn nước này một cách yếu kém vì thiếu hiểu biết và khó khăn trong việc đánh giá, đo đạc nguồn nước nằm sâu dưới lòng đất. Các quốc gia trong tình trạng “khát nước trầm trọng nhất” nằm chủ yếu ở vùng khô cằn Trung Ðông và Bắc Phi, trong đó Ca-ta (Qatar) là quốc gia chịu áp lực lớn nhất.

Hành động khẩn cấp ảnh 1