Gian nan những cuộc chiến

Quá nhiều xung đột, quá nhiều mâu thuẫn và quá nhiều thách thức để hướng tới hòa bình, ổn định. Những điểm nóng của đời sống chính trị quốc tế vẫn đang diễn tiến càng lúc càng gay gắt.

Gian nan những cuộc chiến

1 Ngày 15-3-2019 đánh dấu cuộc xung đột tại Xy-ri (Syria) bước sang năm thứ chín. Sau tám năm, chiến sự ác liệt đã cướp đi sinh mạng của gần 500 nghìn người, khiến ba triệu người sống với thương tật vĩnh viễn, hơn một nửa dân số Xy-ri phải rời bỏ nhà cửa trong một cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Về cơ bản, quy mô giao tranh đã giảm, quân đội Ða-mát (Damas) giành chiến thắng trên thực địa, lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) suy yếu và một loạt lệnh ngừng bắn được thiết lập, song tiếng súng chưa yên, hòa bình chưa được khôi phục hoàn toàn.

Chặng đường tái thiết sau chiến tranh đối mặt vô vàn khó khăn, với mối lo lớn nhất là khôi phục nền kinh tế đang bị bao vây bằng một loạt lệnh trừng phạt quốc tế. Trong khi đó, các cuộc cạnh tranh lợi ích giữa các bên can dự có thể làm phức tạp thêm công việc tái thiết của quốc gia Trung Ðông này.

2 Cuộc chiến “trừng phạt - đáp trả” giữa phương Tây và Nga lại bùng lên đúng dịp tròn 5 năm bán đảo Crưm (Cremia) sáp nhập LB Nga. Liên tiếp trong tuần qua, Liên hiệp châu Âu (EU) bổ sung vào danh sách trừng phạt tám công dân Nga, Mỹ đưa thêm sáu quan chức và sáu công ty, trong khi Canada (Ca-na-đa) áp lệnh trừng phạt 115 người và 15 thực thể của Nga. Các lệnh trừng phạt bổ sung chống Nga được gắn với cuộc khủng hoảng U-crai-na (Ukraine) và sự cố đụng độ ở biển A-dốp (Azov). Tất nhiên, Nga lên án các biện pháp đơn phương, phi lý của phương Tây chống Nga và dọa đáp trả.

Trong khi đó, cùng thông báo biện pháp trừng phạt mới với Minerven và lãnh đạo công ty khai thác mỏ này của Vê-nê-xu-ê-la (Venezuela), gây sức ép với chính phủ Tổng thống N.Ma-đu-rô (Nicolas Maduro) cũng là một nội dung thảo luận tại Nhà trắng giữa Tổng thống Mỹ Ð.Trăm (Donald Trump) với “đồng minh mới” là người đồng cấp Bra-xin (Brazil) G.Bôn-xô-na-rô (Jair Bolsonaro). Lãnh đạo Nhà trắng cảnh báo sẽ còn “cứng rắn hơn”, với các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn, trong nỗ lực mở rộng can thiệp Vê-nê-xu-ê-la.

3 Thất bại trong cuộc chiến gian nan giành sự ủng hộ của Quốc hội cho bản thỏa thuận Brexit đã ký với EU, giờ đây Thủ tướng Anh T.Mây (Theresa May) đứng trước “khe cửa hẹp”, buộc phải thuyết phục giới chức ở Brúc-xen (Brussels) đồng ý phương án lùi thời hạn Luân Ðôn (London) rời đi. Thách thức mới cũng không kém phần khốc liệt, khi hạn chót Brexit chỉ còn tính bằng ngày. Dự kiến, Luân Ðôn đề xuất gia hạn đến ngày 30-6, hoặc kéo dài hơn. Tuy nhiên, chỉ riêng nội bộ nước Anh, đề xuất này cũng còn gây tranh cãi, thậm chí là không thể trong trường hợp Hạ viện Anh tiếp tục bác bỏ thỏa thuận Brexit ở lần thứ ba bà Mây đệ trình vào tuần tới.

Trong khi đó, giới lãnh đạo EU vẫn giữ quan điểm cứng rắn: Không chấp thuận Anh lùi ngày chia tay nếu không có một kế hoạch cụ thể sẽ làm gì trong khoảng thời gian trì hoãn đó. Ấy là chưa kể, việc hoãn Brexit còn cần được 27 thành viên EU phê chuẩn. Con đường Brexit của nước Anh hiện như trong “ma trận”, mà chưa thấy ánh sáng nào le lói.

4 Công du ba nước Ðông Phi, gồm Gi-bu-ti (Djibouti), Ê-ti-ô-pi-a (Ethiopia) và Kê-ni-a (Kenia), Tổng thống E.Ma-crông (Emmanuel Macron) ghi dấu sự “trở lại” của Pháp tại khu vực ảnh hưởng cũ và gia nhập cuộc đua tới “lục địa đen”. Bằng mối dây ràng buộc với châu Phi về lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ, cùng tiền đề là chỗ đứng vững chắc tại khu vực một thời, Pháp có cơ sở để tin tưởng vào triển vọng mối quan hệ đối tác cùng có lợi với các nước ở châu lục. Một loạt các dự án, cả về kinh tế, quân sự lẫn văn hóa và môi trường, đã được ông Ma-crông thông báo trong chuyến thăm, hứa hẹn hợp tác sớm được mở rộng. Song, để khôi phục vị thế vốn có, phía trước Pa-ri (Paris) còn cả chặng đường dài với nhiều thách thức, trong bối cảnh “cuộc chiến giành ảnh hưởng” tại châu Phi diễn ra ngày càng khắc nghiệt giữa nhiều cường quốc, không chỉ có Mỹ, hay láng giềng của Pháp là Anh, mà còn cả các cường quốc châu Á.

Gian nan những cuộc chiến ảnh 1