Đòi hỏi cấp bách


Những thách thức xuất hiện dồn dập đe dọa “cản bước” tăng trưởng kinh tế, phá vỡ thế cân bằng an ninh và tạo ra thách thức nghiêm trọng về môi trường… Thực tế nêu trên đang đòi hỏi chính phủ cũng như người dân phải gấp rút hành động.

 Đòi hỏi cấp bách

1 Trong bài phát biểu trước Quốc hội Anh, người đứng đầu khu tài chính Luân Đôn C.Mắc Ghi-nét (C.McGuinness) nhận định: Anh có nguy cơ mất hàng chục nghìn việc làm trong ngành dịch vụ tài chính do nước này rời khỏi Liên hiệp châu Âu (EU), còn được gọi là Brexit. Theo đó, khoảng 3.500 - 12.000 việc làm trong ngành dịch vụ tài chính tại Anh sẽ chuyển sang các nước khác trong EU về ngắn hạn và nhiều việc làm tại Anh sẽ biến mất về dài hạn. Bà C.Mắc Ghi-nét hy vọng không xảy ra tình trạng Brexodus (khủng hoảng người lao động tại Anh do Brexit gây ra). Hiện các chủ ngân hàng, các hãng bảo hiểm và quản lý tài sản tại Anh đang mở trụ sở tại các nước trong EU trước khi Anh chính thức rời khỏi khối này vào tháng 3-2019 nhằm duy trì sự tiếp nối hoạt động với khách hàng tại Anh. Hiện có hơn hai triệu người đang làm việc liên quan tới các dịch vụ tài chính trên toàn nước Anh.

Trước đó, Cơ quan Quản lý tài chính (FCA), một tổ chức có nhiệm vụ giám sát và quản lý công ty tài chính và thị trường tài chính của Anh, cảnh báo các công ty tài chính của Anh phải có kế hoạch cho một viễn cảnh “Brexit cứng”, tức là Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào, nếu không muốn mất đi thị trường EU rộng lớn.

2 Vài tháng sau khi bị quân đội chính phủ I-rắc (Iraq) đánh bại, tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bắt đầu quay trở lại quốc gia này, gia tăng các vụ bắt cóc và sát hại dân thường cũng như nhân viên an ninh. Theo tình báo I-rắc, IS hiện đã chuyển hướng sang chiến thuật tiến công phục kích nhằm làm suy yếu các cơ quan chính phủ ở thủ đô Bát-đa (Baghdad). Cụ thể, các tay súng IS chia thành nhiều nhóm nhỏ, ẩn náu ở các khu vực sa mạc hoặc đồi núi để tránh bị phát hiện. Chiến thuật của mạng lưới khủng bố quốc tế An Kê-đa (Al Qaeda) đang được IS áp dụng: tiến công chớp nhoáng và rút nhanh về nơi ẩn náu. Hình thức tiến công là phục kích, gài mìn hoặc bắn tỉa. Ngoài ra, các tay súng IS còn thiết lập các trạm kiểm soát an ninh giả để bắt cóc dân thường. Tuy nhiên, IS không thể tiếp cận khu vực thành thị.

Giới chức I-rắc nhấn mạnh sự cần thiết của hoạt động tình báo nhằm đối phó với chiến thuật mới của IS, trong bối cảnh tình trạng “rắn không đầu” ở các lực lượng an ninh địa phương đã tạo điều kiện để IS quay trở lại, chưa kể việc thiếu sự phối hợp và hỗ trợ của chính quyền trung ương. Kể từ sau cuộc bầu cử Quốc hội I-rắc hồi tháng 5 vừa qua, IS liên tiếp tiến hành các vụ bắt cóc và giết hại dân thường, chủ yếu ở các tỉnh Ki-cúc (Kirkuk), Đi-y-a-la (Diyala) và Xa-la-hu-đin (Salahuddin).

3 Cơ quan Y tế Anh (PHE) vừa báo động: tỷ lệ trẻ trong độ tuổi 10 và 11 mắc bệnh béo phì tại Anh đã lên con số kỷ lục. Theo đó, hiện có 22.000 trẻ em trong độ tuổi này mắc bệnh béo phì, có thể dẫn đến việc bị bắt nạt hay cảm giác tự ti. Tình trạng này có thể sẽ kéo dài cho đến khi trưởng thành, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh vốn có thể phòng ngừa như tiểu đường loại 2, bệnh tim mạch và một số bệnh ung thư.

Phe đang hợp tác với công nghiệp thực phẩm nhằm cắt giảm 20% lượng đường từ các sản phẩm hằng ngày vào năm 2020, 20% ca-lo vào năm 2024 trong nỗ lực nhằm giảm bớt tình trạng béo phì ở trẻ em.

4 Theo các nhà khoa học Viện Thủy văn, Khí tượng và Nghiên cứu Môi trường (Ideam) của Cô-lôm-bi-a (Colombia), chỉ trong hai năm gần đây, quốc gia Nam Mỹ này đã mất đi 5,8% diện tích sông băng. Nếu xu hướng trên tiếp diễn, trong vòng 30 năm tới, các sông băng tại Cô-lôm-bi-a sẽ hoàn toàn biến mất. Giám đốc của Ideam O.Franco (Ô.Phơ-răng-cô) cho biết: Trong vòng 50 năm qua, từ 350 km sông băng, giờ đây Cô-lôm-bi-a chỉ còn sở hữu 37 km sông băng.

 Đòi hỏi cấp bách ảnh 1


Nguyên nhân các sông băng tại Cô-lôm-bi-a tan chảy là do tác động của biến đổi khí hậu và do vị trí của chúng nằm tại các khu vực núi lửa hoạt động. Hiện tại, Cô-lôm-bi-a có sáu sông băng. Cô-lôm-bi-a cùng Vê-nê-xu-ê-la (Venezuela), Ê-cu-a-đo (Ecuador), Bô-li-vi-a (Bolivia) và Pê-ru (Peru) là các nơi tập trung những sông băng nhiệt đới của hành tinh.