Đối đầu quyết liệt

Một loạt “cuộc chiến” đã nổ ra cả trên chính trường, trên truyền thông lẫn trên thực địa và đe dọa làm gia tăng bất ổn an ninh. Việc tháo “ngòi nổ” các mâu thuẫn đang trở thành nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết, đối với các quốc gia.

Đối đầu quyết liệt

1 Điện Crem-li (Kremlin) đã lên án hành động can thiệp cuộc bỏ phiếu để bầu chọn Chủ tịch mới của tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol), sau khi các thượng nghị sĩ Mỹ phản đối một ứng viên người Nga trở thành lãnh đạo cơ quan cảnh sát toàn cầu này. Người phát ngôn của Tổng thống Nga Đ.Pê-xcốp (D.Peskov) nhấn mạnh: Đây “chắc chắn” là sự can thiệp vào tiến trình bỏ phiếu của một tổ chức quốc tế. Theo kế hoạch, Interpol tiến hành bầu chọn một người lãnh đạo mới trong khuôn khổ phiên họp đại hội đồng Interpol lần thứ 87 diễn ra tại Đu-bai (Dubai), Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE).

Trước đó, bốn thượng nghị sĩ Mỹ đã ra tuyên bố kêu gọi đại hội đồng Interpol phản đối ứng cử viên người Nga A.Prô-cốp-chúc (A.Prokopchuk). Ông A.Prô-cốp-chúc hiện là Phó Chủ tịch Interpol và là ứng cử viên sáng giá cho vị trí lãnh đạo cơ quan cảnh sát toàn cầu này.

2 Đụng độ giữa liên quân A-rập (Arab) và phiến quân Hu-thi (Houthi) tại Y-ê-men (Yemen) đã nổ ra tại khu vực chung quanh thành phố cảng Hô-đây-đa (Hodeida) bên bờ Biển Đỏ, bất chấp kêu gọi ngừng bắn của Liên hợp quốc (LHQ). Giao tranh đường phố cũng diễn ra tại trung tâm thành phố và quận An Xa-lê (al-Saleh). Hô-đây-đa là thành phố cảng quan trọng trung chuyển 3/4 lượng hàng hóa nhập khẩu và là cửa ngõ cho hàng cứu trợ nhân đạo ở Y-ê-men. Từ năm 2014, lực lượng Hu-thi đã chiếm giữ thành phố này cùng thủ đô Xa-na và một loạt thành phố cảng khác.

Các cuộc giao tranh mới nhất này là đòn giáng mạnh vào những nỗ lực của LHQ nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài suốt bốn năm qua tại Y-ê-men. Đặc phái viên LHQ về Y-ê-men M.Gri-phít (M.Griffiths) xác nhận: Hai bên nhất trí sẽ sớm tham gia các cuộc hòa đàm tại Thụy Điển. Chính phủ Y-ê-men được LHQ ủng hộ khẳng định sẽ tham dự nếu Hu-thi có động thái tương tự vô điều kiện.

Đến nay, xung đột tại Y-ê-men đã khiến gần 10.000 người thiệt mạng, trong khi LHQ cảnh báo quốc gia này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, với khoảng 14 triệu người chịu ảnh hưởng của nạn đói.

Đối đầu quyết liệt ảnh 1

3 Bộ Ngoại giao Pa-ki-xtan (Pakistan) triệu Đại sứ Mỹ tại I-xla-ma-bát (Islamabad) P.Giôn (P.Jones) đến để phản đối phát biểu của Tổng thống Mỹ Đ.Trăm (D.Trump) chỉ trích Pa-ki-xtan, liên quan tới cuộc chiến chống khủng bố và chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Ô-xa-ma Bin La-đen (Osama bin Laden). Trước đó, trả lời phỏng vấn kênh tin tức Fox News, ông Trăm cho biết lý do Mỹ cắt khoản viện trợ hàng trăm triệu USD cho Pa-ki-xtan hồi đầu năm nay vì quốc gia Nam Á này “không làm được gì” cho Mỹ. Ông cũng cho rằng các quan chức Pa-ki-xtan đã biết vị trí ẩn náu của Bin La-đen trước khi lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố này trong cuộc đột kích năm 2011 tại Pa-ki-xtan.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pa-ki-xtan khẳng định, tình báo nước này đã hợp tác với phía Mỹ và cung cấp bằng chứng đầu tiên để truy tìm dấu vết của trùm khủng bố. Thủ tướng Pa-ki-xtan I.Khan nhấn mạnh: “Ít có đồng minh nào hy sinh hoặc hỗ trợ Mỹ nhiều như Pa-ki-xtan trong cuộc chiến chống khủng bố”. Pa-ki-xtan đã hứng chịu tổn thất 75.000 người thương vong và thiệt hại kinh tế hơn 123 tỷ USD trong cuộc chiến này, trong khi khoản viện trợ của Mỹ chỉ khoảng 20 tỷ USD. Giới phân tích nhận định diễn biến trên có nguy cơ làm xấu hơn nữa quan hệ vốn “mong manh” giữa hai nước.

4 Các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu sinh vật biển thuộc Đại học Ha-oai (Hawaii, Mỹ) cảnh báo: Đến cuối thế kỷ XXI này, nhiều nơi trên thế giới có thể phải hứng chịu cùng lúc một loạt thảm họa thiên tai, từ những đợt nắng nóng, cháy rừng tới những cơn mưa phù sa và những trận bão lớn. Theo đó, nhiều thảm họa thiên tai sẽ tiếp diễn với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Chính lượng khí thải CO2, khí mê-tan và các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính khác tràn ngập trong không khí là yếu tố kích thích sản sinh ra “các lực lượng đe dọa sự sống”.

Việc nhiệt độ tăng cao sẽ dẫn đến tình trạng khô hạn, nắng nóng và cháy rừng thảm khốc, như vụ cháy rừng hơn 10 ngày qua tại bang Ca-li-pho-ni-a (California, Mỹ). Trong khi đó, ở những khu vực ẩm ướt hơn, hậu quả của hiện tượng biến đổi khí hậu là mưa lớn và lũ lụt. Đối với thế giới đại dương, tình trạng biến đổi khí hậu tạo ra nhiều siêu bão lớn. Cụ thể, nếu tình trạng ô nhiễm không khí vẫn giữ ở mức hiện nay, thành phố Niu Oóc (New York, Mỹ) sẽ phải hứng chịu bốn thảm họa thiên tai cùng lúc, trong đó có mưa to, mực nước biển dâng và bão gia tăng.