Đi tìm những giải pháp

Các thỏa thuận lịch sử đã bị bác bỏ và nguy cơ cứu vãn trở nên vô vọng; bất ổn, thiên tai và các thách thức an ninh phi truyền thống đang ngày càng gia tăng đe dọa nhiều quốc gia. Một loạt vấn đề cấp bách đang đặt ra và đòi hỏi các chính phủ phải hành động quyết liệt, không chậm trễ.

Đi tìm những giải pháp

1 “Cứu” thỏa thuận hạt nhân với I-ran (Iran) đang ngày càng trở thành vấn đề cấp bách. Tổng thống I-ran H.Ru-ha-ni (H.Rouhani) trong chuyến thăm Hà Lan đã tuyên bố nước Cộng hòa Hồi giáo “không đóng cánh cửa” đối thoại với Liên hiệp châu Âu (EU), để duy trì thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tê-hê-ran (Tehran) đã ký kết với các cường quốc thế giới hồi năm 2015. Theo ông Ru-ha-ni, hơn 21 tháng qua kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi JCPOA, đáng tiếc là EU đã không có được những biện pháp hiệu quả, phù hợp với quan hệ song phương và hoàn thành những cam kết của khối này theo JCPOA. Ông khẳng định chính sách đối ngoại của I-ran dựa trên sự hợp tác mang tính xây dựng với các nước, nhất là tăng cường hợp tác với EU.

Đại diện Chính phủ Hà Lan cam kết sẽ nỗ lực để hỗ trợ duy trì JCPOA, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục đối thoại, coi đây là một biện pháp để giải quyết những vấn đề còn vướng mắc. Hà Lan cho rằng, việc Mỹ rút khỏi JCPOA không phải là việc làm đúng đắn.

2 Na Uy bắt đầu vận hành một “hầm tận thế” (ảnh trên) ở Bắc Cực nhằm lưu trữ 60.000 mẫu hạt giống thực vật trên toàn thế giới. Đây sẽ là kho dự trữ hạt giống lớn nhất trên toàn cầu để đề phòng thiên tai. Nhiều tổ chức và quốc gia như Bra-xin (Brazil), Mỹ, Đức, Ma-rốc (Maroc), I-xra-en (Israel), Mông Cổ… đã gửi các chủng loại hạt giống tới kho bảo tồn này. Chuyến tàu mới nhất sẽ chở tới 1,05 triệu hạt giống được thu thập từ nhiều nơi và sẽ được lưu trữ trong ba phòng ngầm của kho.

Nhằm bảo vệ đa dạng sinh học trước nguy cơ biến đổi khí hậu, chiến tranh và các thảm họa nhân tạo hay thiên nhiên khác, ngân hàng hạt giống có khả năng lưu trữ lên đến 4,5 mẻ hạt, hoặc số lượng hai cá thể đối với mỗi loài thực vật hiện vẫn còn tồn tại. Các tổ chức và các quốc gia gửi hạt ở đây sẽ có quyền sở hữu với những hạt giống đó và có thể nhận lại khi cần thiết.

3 Ô nhiễm bụi mịn PM2.5 đang “bủa vây” Trung Quốc và Nam Á, khi các nghiên cứu vừa công bố cho thấy gần 90% trong số 200 thành phố ô nhiễm không khí do bụi mịn PM2.5 ở mức cao nhất thế giới được ghi nhận tại Trung Quốc và Ấn Độ. Phần lớn các thành phố trong 10% còn lại là tại Pa-ki-xtan (Pakistan) và In-đô-nê-xi-a (Indonesia). Trong số 36 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Hàn Quốc là quốc gia ô nhiễm bụi PM2.5 nghiêm trọng nhất và có tới 105 thành phố ở nước này nằm trong danh sách 1.000 thành phố ô nhiễm nhất.

Trong số các thành phố có hơn một triệu dân, A-đê-lết (Adelaide) của Ô-xtrây-li-a (Australia), Thủ đô Hen-xin-ki (Helsinki) của Phần Lan, Xtốc-khôm (Stockholm) của Thụy Điển và Xan Hô-xê (San Jose) tại Ca-li-pho-ni-a (California, Mỹ) là những thành phố ít chịu ảnh hưởng của PM2.5 nhất. Nghiên cứu cũng cho thấy 90% dân số toàn cầu đang hít thở bầu không khí không an toàn.

4 Cuộc khủng hoảng ngành đường sắt tại Ca-na-đa (Canada) bước sang tuần thứ ba đang gây sức ép lớn đối với nền kinh tế nước này. Trong tuần qua, các cuộc biểu tình phong tỏa hệ thống giao thông đường sắt tại cảng Halifax đã làm tê liệt phần lớn khu vực miền đông Canada, khiến một lượng lớn hàng hóa bị mắc kẹt (ảnh dưới) ở bang Nova Scotia (Nô-va Xcô-ti-a). Các cuộc biểu tình gần những thành phố lớn như Tô-rôn-tô (Toronto), Môn-rê-an (Montreal), Van-cu-vơ (Vancouver) đã gây ách tắc nhiều tuyến giao thông đường bộ, cũng như tại các cảng biển. Đường sắt là xương sống trong hệ thống giao thông của Ca-na-đa, mỗi năm vận chuyển lượng hàng hóa trị giá hơn 190 tỷ USD. Theo giới quan sát, các cuộc biểu tình phong tỏa hệ thống đường sắt đã gây tổn hại tới chuỗi cung ứng ổn định của Ca-na-đa, cản trở hoạt động xuất khẩu và làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế ở nước này.

Đi tìm những giải pháp ảnh 1

Nguyên nhân của các cuộc biểu tình xuất phát từ đề xuất xây dựng đường ống Coastal GasLink, kết nối với hệ thống kho cảng xuất khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) ở bang Bri-tít Cô-lăm-bi-a (British Columbia). Một số tù trưởng đã phản đối dự án này vì vi phạm vào vùng lãnh thổ truyền thống của bộ tộc và đã làm đơn kiện chính phủ liên bang. Trong nhiều tuần qua, chính phủ của Thủ tướng G.Tru-đô (J.Trudeau) đã bày tỏ quan điểm ủng hộ đàm phán hơn là phương án cảnh sát phải can thiệp vào các cuộc biểu tình trên.