Củng cố cam kết vì hòa bình

Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, thách thức toàn cầu ngày càng lớn và khó lường, thế giới tiếp tục ghi nhận các cam kết mới và những nỗ lực thực chất vì hòa bình và ổn định. Hợp tác vẫn là xu hướng được ưu tiên, dù vẫn còn những bất đồng, chia rẽ trong nhiều vấn đề.

Củng cố cam kết vì hòa bình

1 Kỳ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và các hội nghị liên quan (ảnh trên), diễn ra tại Thái-lan (Thailand) tuần qua, là dịp để các nước ASEAN và đối tác củng cố các cam kết vì hòa bình, ổn định tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương rộng lớn. Trong thông cáo chung của Hội nghị, các bộ trưởng ASEAN và đối tác khẳng định lại cam kết bảo đảm an ninh khu vực trên cơ sở đề cao luật pháp quốc tế, đẩy mạnh hợp tác và tương tác nhằm ứng phó các thách thức chung, với tinh thần tập thể, mang tính xây dựng và dựa trên quan hệ hữu nghị, tôn trọng, cùng có lợi. Thêm một lần nữa, ASEAN khẳng định thúc đẩy hợp tác nhằm duy trì hòa bình và ổn định, giải quyết tranh chấp phù hợp các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, ứng phó hiệu quả các mối đe dọa an ninh, thông qua các cơ chế, tiến trình do ASEAN dẫn dắt hoặc đóng vai trò trung tâm...

2 ASEAN và Hàn Quốc hướng tới kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại, trong bối cảnh hợp tác giữa hai bên tiến triển tích cực. Trong tuyên bố trước thềm hội nghị cấp cao kỷ niệm sự kiện này vào tuần tới, Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê In (Moon Jae-in) nhấn mạnh, ASEAN là "người đồng hành quan trọng" không chỉ với sự phát triển của Hàn Quốc, mà cả tiến trình xây dựng nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên. Cả hai cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ đều diễn ra tại nước thành viên ASEAN, là Xin-ga-po (Singapore) và Việt Nam.

Hàn Quốc và Mỹ cũng tuyên bố hoãn kế hoạch tập trận chung dự kiến vào cuối tháng này, với mục tiêu "hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên". Hai nước kêu gọi Bình Nhưỡng sớm quay trở lại đối thoại. Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn cho rằng: Mỹ và Hàn Quốc cần chấm dứt hoàn toàn chứ không chỉ hoãn các cuộc tập trận; và Oa-sinh-tơn (Washington) cần từ bỏ chính sách thù địch chống Bình Nhưỡng.

3 Tại châu Âu, U-crai-na (Ukraine) đang đứng trước "cơ hội vàng" để tìm được lối thoát cho cuộc khủng hoảng dai dẳng ở miền đông nước này. Hội nghị cấp cao theo "thể thức Noóc-man-đi" (Normandy) đã được ấn định, do Pháp chủ trì ngày 9-12 tới, tại Thủ đô Pa-ri (Paris); các nhà lãnh đạo "bộ tứ" (gồm U-crai-na, Nga, Pháp và Ðức) đã nhận lời tham dự. Bước đột phá trong tiến trình giải quyết khủng hoảng U-crai-na này có được là nhờ thiện chí và nỗ lực của các bên liên quan và các nước đóng vai trò trung gian, cũng như trên cơ sở tiến triển tích cực trên thực địa.

Quân đội chính phủ U-crai-na và các nhóm vũ trang đòi độc lập đã hoàn tất rút lực lượng khỏi các giới tuyến vùng xung đột ở miền đông, đáp ứng điều kiện cần theo Thỏa thuận Min-xcơ (Minsk) năm 2016 để nối lại khuôn khổ đàm phán Noóc-man-đi. Cùng nỗ lực hòa giải của Pháp, Nga cũng thể hiện thiện chí, khi hoan nghênh động thái rút quân của các bên ở U-crai-na, cũng như trao trả ba tàu của Hải quân U-crai-na mà Nga bắt giữ tại Biển Ðen hồi tháng 11-2018.

Củng cố cam kết vì hòa bình ảnh 1

4 Tương tự, hy vọng hòa bình nhen lên tại Y-ê-men (Yemen) sau khi các bên xung đột triển khai thỏa thuận chia sẻ quyền lực đã ký kết. Thủ tướng M.Áp-đun-ma-lích và các quan chức chính phủ lưu vong đã từ A-rập Xê-út (Saudi Arabia) trở về thành phố cảng ở miền nam Y-ê-men. Ðây là bước đi đầu tiên thực hiện Thỏa thuận Ri-i-át (Riyadh) mà chính phủ Tổng thống Y-ê-men M.Ha-đi được quốc tế công nhận đã ký với Hội đồng chuyển tiếp miền nam (STC) -đại diện phe ly khai ở miền nam nước này.

Theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực được A-rập Xê-út bảo trợ, một ủy ban chung về thực thi Thỏa thuận Ri-i-át sẽ được lập ra và do đại diện liên quân các nước A-rập đứng đầu, có nhiệm vụ thúc đẩy đàm phán nhằm thành lập một Chính phủ, với tỷ lệ đại diện ngang nhau giữa các lực lượng chính trị ở hai miền nam và bắc Y-ê-men. Trước mắt, việc Thủ tướng lưu vong M.Áp-đun-ma-lích trở về (ảnh dưới) đã mở đường khôi phục hoạt động của các cơ quan nhà nước tại những khu vực do Chính phủ Tổng thống M.Ha-đi kiểm soát ở A-đen.