Chung tay vượt khó

Những thỏa thuận lịch sử đã và đang có nguy cơ đổ vỡ kéo theo hệ quả khôn lường cả về an ninh, chính trị và kinh tế. Trong khi đó, nguy cơ bất ổn, nghèo đói tiếp tục gia tăng tại nhiều quốc gia. Trong bối cảnh nêu trên, việc thế giới "liên hiệp lại" để cùng đối phó các thách thức chung đang trở thành nhiệm vụ cấp bách.

Chung tay vượt khó

1 Thứ trưởng Ngoại giao Nga X.Ri-áp-cốp (S.Ryabkov) tuyên bố: Nga vẫn ủng hộ việc duy trì Hiệp ước về lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), nếu Mỹ tuân thủ nghiêm túc hiệp ước này. Nga cáo buộc việc bố trí các hệ thống tên lửa Aegis Ashore trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu vi phạm trực tiếp INF vì các thiết bị phóng MK41 trong hệ thống này có thể được sử dụng để phóng tên lửa Tô-ma-hốc (Tomahawk).

Thứ trưởng Ngoại giao Nga nhấn mạnh: Trong hoạch định chính sách quân sự của mình, Nga sẽ tính đến kịch bản xấu nhất là Mỹ bố trí tên lửa tầm ngắn và trung tại châu Âu. Mát-xcơ-va (Moskva) sẽ không bỏ qua nếu Mỹ triển khai tên lửa tại các khu vực có thể bắn vào các mục tiêu chiến lược bên trong lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, Nga không muốn tình hình diễn ra như vậy nên sẵn sàng đối thoại với Mỹ về vấn đề này. Theo đó, Tổng thống Nga V.Pu-tin (V.Putin) sẽ nêu vấn đề INF trong cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Ð.Trăm (D.Trump) tại Ác-hen-ti-na (Argentina) bên lề Hội nghị cấp cao G20.

2 Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử I-ran (AEOI) A.Xa-lê-hi (A. Salehi) cảnh báo Liên hiệp châu Âu (EU), về hậu quả nghiêm trọng nếu liên minh này không đưa ra hành động để duy trì lợi ích kinh tế của thỏa thuận hạt nhân lịch sử, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà I-ran đã ký với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Ðức) hồi năm 2015. Theo ông Xa-lê-hi, nếu EU không biến được lời nói thành hành động, tình hình sẽ rất khó đoán định. Tuy nhiên, ông cũng đánh giá: EU đang làm những gì tốt nhất, cũng như đang trên đường thực hiện cam kết của mình.

Sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA vào tháng 5 vừa qua, EU và các nước còn lại trong thỏa thuận đã ra tuyên bố lên án quyết định của Oa-sinh-tơn (Washington) áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Tê-hê-ran (Tehran), khẳng định sẽ bảo vệ các công ty của châu Âu đang làm ăn hợp pháp với I-ran, cũng như tìm cách duy trì các kênh tài chính hoạt động với nước này, bảo đảm việc tiếp tục xuất khẩu ga và khí đốt của quốc gia Hồi giáo. Tuy nhiên, các nỗ lực của EU, trong đó có việc thành lập cơ chế đặc biệt giao dịch với I-ran nhằm né tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ, được cho là đang gặp khó khăn.

3 Chương trình Lương thực thế giới (WFP) thuộc Liên hợp quốc (LHQ) cho biết: WFP cần bổ sung gấp 75 triệu USD để cứu trợ lương thực cho người dân Dim-ba-bu-ê (Zimbabwe) đang bị nạn đói đe dọa, do tình trạng hạn hán được dự báo sẽ kéo dài trong sáu tháng tới, với khoảng 2,4 triệu người dân tại đây đang cần được cứu trợ lương thực khẩn cấp. Theo tính toán của WFP, khoảng 28% dân số Dim-ba-bu-ê phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng trong vụ mùa 2018-2019.

Bên cạnh đó, Quỹ Ứng phó khẩn cấp (CERF) của LHQ đã viện trợ cho Vê-nê-xu-ê-la (Venezuela) 9,2 triệu USD để triển khai các chương trình nhân đạo, trong đó có hỗ trợ y tế và thực phẩm cho phụ nữ và trẻ em nước này. Theo người phát ngôn của LHQ, đây là lần đầu CERF viện trợ cho Vê-nê-xu-ê-la kể từ khi bùng phát khủng hoảng tại quốc gia Nam Mỹ này. Quỹ sẽ cung cấp hỗ trợ thực phẩm cho trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú cũng như những người dễ bị tổn thương tại Vê-nê-xu-ê-la.

Chung tay vượt khó ảnh 1

4 Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa công bố: Mức tăng trưởng tiền lương toàn cầu trong năm 2017 ở mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, giảm từ mức 2,4% trong năm 2016 còn 1,8% trong năm 2017.

Tổng Giám đốc ILO Ghi Rai-đơ (Guy Ryder) nhận xét: "Thật khó hiểu là trong khi các nền kinh tế phát triển phục hồi tăng trưởng GDP và thất nghiệp giảm thì tốc độ tăng trưởng tiền lương lại chậm hơn rất nhiều so với năng suất". Báo cáo phát hiện ra rằng nam giới vẫn tiếp tục được trả lương cao hơn nữ giới khoảng 20%. Theo ông Rai-đơ, điều này đi ngược lại với nguyên tắc cơ bản trả lương bình đẳng cho công việc có giá trị như nhau.