Chung tay chống khủng hoảng

Trong bối cảnh các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang cùng lúc “bủa vây” nhiều quốc gia, khu vực, nỗ lực hợp tác và các sáng kiến mới đã mở ra “cánh cửa hy vọng” giải quyết một loạt cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên toàn cầu.

Hòa bình - đòi hỏi cấp thiết dành cho Li-bi.
Hòa bình - đòi hỏi cấp thiết dành cho Li-bi.

1. Các phái đoàn của Hội đồng Nhà nước cấp cao và Hạ viện Li-bi (Libya) tham gia đối thoại vòng hai liên Li-bi tại Ma-rốc (Morocco) đã đạt được các thỏa thuận toàn diện về các tiêu chí và cơ chế để nắm giữ các vị trí chủ quyền. Liên hiệp châu Âu (EU) đã hoan nghênh sáng kiến của Ma-rốc trong việc hỗ trợ tiến trình hòa giải do Liên hợp quốc dẫn đầu nhằm giải quyết xung đột ở Li-bi thông qua một quá trình chính trị. EU sẽ tiếp tục tích cực hỗ trợ người dân Li-bi thực hiện nỗ lực thiết lập một đất nước hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Trước đó, Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi các nước chung tay giải quyết cuộc khủng hoảng Li-bi. Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét (A.Guterres) thúc giục các nước cung cấp thêm chỗ ở và nơi sơ tán cho người tị nạn bị giam giữ và mắc kẹt ở Li-bi. Tại phiên họp cấp cao về Li-bi, Tổng Thư ký LHQ cho biết người tị nạn và người di cư bị giam giữ trong điều kiện phi nhân đạo và nếu các nước chung tay hỗ trợ thì có thể ngăn chặn được làn sóng người tị nạn bị đưa trở lại giam giữ ở Li-bi. Ông cũng kêu gọi cần phải phá ngay các đường dây buôn người đang hoạt động trên khắp đất nước Bắc Phi này.

2. Tuần qua, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi quan hệ giữa hai nước căng thẳng liên quan tới tranh chấp về việc thăm dò dầu khí và chủ quyền lãnh hải tại Đông Địa Trung Hải. Hai nước đang nỗ lực ấn định thời hạn tiến hành đàm phán nhằm tháo gỡ căng thẳng song phương.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tàu thăm dò địa chấn Oruc Reis tới vùng biển tranh chấp với Hy Lạp ở Đông Địa Trung Hải đã gây ra nhiều căng thẳng giữa hai nước, thậm chí hai bên tiếp tục leo thang căng thẳng với nhiều hoạt động quân sự trên biển. Hồi tháng trước, An-ca-ra (Ankara) đã rút tàu Oruc Reis khỏi vùng biển tranh chấp để mở đường cho các biện pháp ngoại giao trước thềm một hội nghị cấp cao của EU. Chính quyền An-ca-ra khẳng định, việc rút tàu khảo sát Oruc Reis ra khỏi khu vực tranh chấp không có nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ chủ quyền đối với nguồn tài nguyên ở Đông Địa Trung Hải. Tại hội nghị vừa qua, EU khẳng định sẽ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này tiếp tục hoạt động khảo sát trong khu vực.

3. Ủy ban Kinh tế Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê (CEPAL) của LHQ khuyến cáo chính phủ các quốc gia trong khu vực cần duy trì các chính sách kích thích kinh tế và chi tiêu tài khóa rộng rãi để khắc phục và vượt qua cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra. CEPAL cho rằng chính sách thắt lưng buộc bụng về tài khóa không phải là một biện pháp thích hợp, mà các quốc gia cần huy động nhiều hơn các nguồn lực bên ngoài. CEPAL nhấn mạnh rằng, để tiến tới một sự phục hồi kinh tế bền vững có thể hỗ trợ việc xây dựng một nhà nước phúc lợi và tăng cường khu vực sản xuất, cần phải duy trì các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng.

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế khu vực suy giảm tới 9,1% trong năm 2020, mức thấp lịch sử kể từ năm 1900. Do vậy, để tránh sự sụp đổ của nền kinh tế, các quốc gia cần triển khai các chính sách kích thích tổng cầu, tăng cường và nâng cao hiệu quả chính sách tài khóa và tiền tệ.

4. Với lời kêu gọi cứu hành tinh, Hoàng tử Anh Uy-li-am (William) và Giáo hoàng Phran-xít (Francis) đã cùng với các nhà hoạt động, nghệ sĩ, người nổi tiếng và chính trị gia tham gia một sự kiện mang tên Countdown (Đếm ngược) được phát trực tuyến, nhằm huy động và đoàn kết mọi người chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu.

Các nhà tổ chức chương trình Countdown đặt ra mục tiêu kêu gọi các chính phủ và người dân cắt giảm một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong thập niên tới và không phát thải khí carbon vào năm 2050. Các giải pháp được đưa ra bao gồm cách thức nuôi trồng nhằm đáp ứng nhu cầu của động vật hoang dã cũng như cây trồng, hệ thống giao thông chạy bằng điện, các thành phố được thiết kế cho con người thay vì ô-tô, các nền kinh tế phát triển bằng cách giữ cho hành tinh “khỏe mạnh” thay vì phá hủy nó, và ủng hộ cho các nhà lãnh đạo chính trị muốn chấm dứt cuộc khủng hoảng khí hậu. Chương trình cũng cho rằng thiệt hại đối với môi trường cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng bất bình đẳng xã hội và phân biệt chủng tộc.

Chung tay chống khủng hoảng -0
Hoàng tử Uy-li-am, một trong những nhân vật nổi tiếng tham gia chương trình hành động Countdown.