Thế giới tuần qua

Chờ bước đột phá

Còn quá nhiều tiến trình quan trọng đã và đang lâm vào tình trạng bế tắc. Và bởi vậy, việc mở được "những cánh cửa thoát hiểm" mỗi lúc lại trở thành một đòi hỏi bức thiết hơn.

Người Cuốc ở Xy-ri đi lánh nạn.
Người Cuốc ở Xy-ri đi lánh nạn.

1 Chưa phải bước đột phá, song mối gỡ nút thắt căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc dần hé lộ khi hai bên đạt được "thỏa thuận một phần" trong vòng đàm phán thứ 13 tuần trước. Theo đó, Bắc Kinh đồng ý mua nông sản Mỹ với tổng trị giá đến 50 tỷ USD, đổi lại Oa-sinh-tơn (Washington) ngừng kế hoạch áp thuế với lượng hàng trị giá 250 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Hai bên cũng nhất trí một số vấn đề về tài chính, tiền tệ và sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, đây chỉ là thỏa thuận mang tính nguyên tắc, chưa có văn bản hay tuyên bố nào được ký kết, và Mỹ vẫn tiếp tục dọa áp thuế bổ sung từ ngày 15-12 tới, nếu khi đó hai nước vẫn chưa đạt thỏa thuận cuối cùng.

Cùng lúc, Liên hiệp châu Âu (EU) tuyên bố "gây sức ép đến cùng" nhằm ngăn cản Mỹ thực thi biện pháp thuế quan với hàng hóa châu Âu. Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chính thức cho phép Mỹ áp thuế với lượng hàng trị giá 7,5 tỷ USD của EU, liên quan cáo buộc EU trợ cấp hãng chế tạo máy bay Airbus.

2 Tương tự, sát giờ chót Brexit (ảnh bên), trong bối cảnh đàm phán giữa Anh và EU vẫn chưa có đột phá, hai bên nỗ lực nhằm nhất trí về dự thảo thỏa thuận Brexit trước thềm Hội nghị cấp cao EU (có thể là kỳ hội nghị cuối cùng của EU có thành viên Anh tham dự). Tuy nhiên, hai bên đều thiếu lạc quan, do thời gian còn quá ít trong khi các kế hoạch quá sít sao, với Hội nghị cấp cao EU và Phiên họp đặc biệt của Quốc hội Anh diễn ra liên tiếp.

Bế tắc cốt lõi vẫn liên quan cách thức quản lý hoạt động thương mại, thuế quan và an ninh biên giới giữa nước thành viên EU là CH Ai-len (Ireland) và vùng lãnh thổ Bắc Ai-len thuộc Anh. Có thể, các cuộc thảo luận còn kéo dài tới sát hạn chót Brexit (ngày 31-10) và EU phải tiến hành một cuộc họp cấp cao đặc biệt vào cuối tháng này.

3 Trong bối cảnh hòa bình và an ninh vẫn là mong mỏi hàng đầu của thế giới, giải Nô-ben (Nobel) Hòa bình năm 2019 tiếp tục tôn vinh những nỗ lực kiến tạo, thúc đẩy hòa bình và hợp tác quốc tế. Thủ tướng Ê-ti-ô-pi-a (Ethiopia) A.A-mét (Abiy Ahmed), 43 tuổi, được trao giải Nô-ben Hòa bình vì sáng kiến mang tính quyết định của ông giúp giải quyết cuộc xung đột biên giới giữa Ê-ti-ô-pi-a và Ê-ri-tơ-ri-a (Eritrea), giúp chấm dứt cuộc chiến 20 năm từng gây tổn thất lớn về sinh mạng và tiền của cả hai nước. Thủ tướng A-mét cũng đóng vai trò tích cực trong nỗ lực hòa giải tại Xu-đăng (Sudan).

Tôn vinh nỗ lực và đóng góp của vị thủ tướng trẻ tuổi nhất trong lịch sử châu Phi này, giải Nô-ben Hòa bình năm nay cũng ghi nhận sự đóng góp của tất cả các bên tham gia tiến trình hòa bình, hòa giải ở Ê-ti-ô-pi-a và các khu vực Ðông và Bắc Phi.

Chờ bước đột phá ảnh 1

Người Cuốc ở Xy-ri đi lánh nạn.

4 Trong khi đó, bất chấp lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế và sức ép trừng phạt từ Mỹ, một tuần sau khi khởi động, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kiên quyết tuyên bố không dừng chiến dịch quân sự ở miền bắc Xy-ri (Syria) với tên gọi Hòa bình mùa xuân. An-ca-ra (Ankara) tuyên bố chỉ ngừng bắn sau khi đã "quét sạch tổ chức khủng bố" (ám chỉ các nhóm vũ trang người Cuốc) ở khu vực biên giới Xy-ri, ngăn chặn nguy cơ một "hành lang khủng bố" xuyên biên giới và đem lại hòa bình cho khu vực.

Tuy nhiên, dư luận lo ngại chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ đẩy khu vực vốn bất ổn về an ninh vào cuộc xung đột mới. Các nước EU và A-rập (Arab) lên án chiến dịch của An-ca-ra. Tổng thống Nga trong chuyến thăm A-rập Xê-út (Saudi Arabia) đã điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, cảnh báo về nguy cơ xung đột lan rộng tại Xy-ri... Một mặt rút quân khỏi Xy-ri và áp đặt trừng phạt giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, mặt khác Mỹ vẫn thúc đẩy đối thoại. Nhưng, An-ca-ra đã bác đề xuất của Oa-sinh-tơn làm trung gian nhằm chấm dứt xung đột giữa các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và người Cuốc ở Xy-ri.