Cánh cửa hy vọng

Một loạt thỏa thuận mới đã được ký kết giữa các đối tác sau khi trải qua quá trình đàm phán để thu hẹp bất đồng. Trong bối cảnh dịch bệnh và các thách thức an ninh đang bủa vây, những thỏa thuận nói trên sẽ mở ra “cánh cửa hy vọng” về một tương lai hòa bình, hợp tác tốt đẹp hơn.

Tình hình xung đột tại Li-bi vẫn vô cùng phức tạp.
Tình hình xung đột tại Li-bi vẫn vô cùng phức tạp.

1 Mỹ sẽ hợp tác cùng Cô-lôm-bi-a (Colombia) để đem lại các khoản đầu tư mới cho các khu vực nông thôn của quốc gia Nam Mỹ này. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ R.Bri-en trong chuyến thăm Cô-lôm-bi-a cho biết sáng kiến đầu tư này sẽ kêu gọi các khoản đầu tư tư nhân lên đến 5 tỷ USD cho các khu vực nông thôn ở Cô-lôm-bi-a trong vòng ba năm. 

Theo nội dung tuyên bố chung giữa Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ với Tổng thống Cô-lôm-bi-a I.Đu-kê (I.Duque), sáng kiến này sẽ tập trung vào các lĩnh vực luật pháp, an ninh, cơ sở hạ tầng và phát triển nông thôn. Theo đó, Cô-lôm-bi-a sẽ trở thành một phần trong chiến lược mới công bố của Mỹ, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ chuyển cơ sở sản xuất và chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và quay trở lại châu Mỹ. Ngoài ra, hai bên cũng thông báo khởi động giai đoạn mới của kế hoạch chung mang tên “Kế hoạch Cô-lôm-bi-a” nhằm chống nạn buôn bán ma túy. Trước đó, Mỹ đã cung cấp cho Cô-lôm-bi-a hơn 7 tỷ USD trong giai đoạn 2000-2016 trong khuôn khổ “Kế hoạch Cô-lôm-bi-a”.

2 Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) được quốc tế công nhận của Li-bi (Libya) đã ký kết với Ca-ta (Qatar) và Thổ Nhĩ Kỳ một thỏa thuận nhằm gửi các cố vấn quân sự và huấn luyện cho các lực lượng vũ trang của GNA. Từ năm 2014 đến nay, tại Li-bi tồn tại hai chính quyền song song với sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang riêng. GNA nhận được sự ủng hộ của Liên hợp quốc (LHQ), Ca-ta và các nhóm vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Li-bi (LNA) hậu thuẫn chính quyền ở miền đông và được Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), Nga và Ai Cập ủng hộ.

Hiện cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang nổi lên là những nhà trung gian hòa giải chính trong cuộc xung đột tại Li-bi với điểm nóng mới là thành phố Xơ-tê (Sirte) trong vài tuần qua. Tổng thống Nga và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ đã điện đàm về tình hình xung đột tại Li-bi, nhấn mạnh cần có các bước đi thực tế nhằm đạt được lệnh ngừng bắn bền vững tại quốc gia Bắc Phi này.

3 Chính phủ chuyển tiếp của Xu-đăng (Sudan) và nhóm vũ trang Phong trào Giải phóng nhân dân Xu-đăng miền bắc (SPLM-N) đã đạt thỏa thuận hòa bình tạm thời, nhằm hợp nhất lực lượng phiến quân và lực lượng quân đội trong vòng 39 tháng tới. Đây là thỏa thuận mới nhất trong một loạt thỏa thuận được Chính phủ Xu-đăng ký kết với nhóm vũ trang, qua đó mở ra hy vọng sớm chấm dứt nhiều thập niên xung đột. Hai bên nhất trí cấm tuyển dụng trẻ em làm binh lính, đồng thời cam kết không tiến xa hơn giới hạn kiểm soát hiện tại.

Bộ trưởng Quốc phòng Xu-đăng hy vọng, với sự hợp nhất cùng SPLM-N, quân đội quốc gia Xu-đăng sẽ bền vững, mạnh mẽ hơn và sẵn sàng đối phó với bất kỳ mối đe dọa an ninh nào. Trong khi đó, phó thủ lĩnh SPLM-N đánh giá thỏa thuận an ninh này mang tính lịch sử. Theo kế hoạch, một thỏa thuận toàn diện giữa Chính phủ Xu-đăng và bốn nhóm nổi dậy tại nước này sẽ được ký kết vào ngày 28-8 tới.

4 Thủ tướng Ô-xtrây-li-a (Australia) X.Mo-ri-xơn (S.Morrison) cho biết nước này đã đạt một thỏa thuận với công ty dược phẩm liên danh của Anh - Thụy Điển AstraZeneca nhằm bảo đảm quyền tiếp cận vắc-xin đầy tiềm năng mà công ty đang nghiên cứu. Vắc-xin nói trên đang trong giai đoạn ba thử nghiệm lâm sàng trên hàng nghìn tình nguyện viên và được coi là loại vắc-xin đi đầu trong cuộc đua toàn cầu về bào chế vắc-xin ngừa Covid-19. Thủ tướng X.Mo-ri-xơn tuyên bố Ô-xtrây-li-a sẽ sản xuất vắc-xin này và cung cấp miễn phí cho toàn bộ 25 triệu dân.  

Cánh cửa hy vọng -0 

Chính phủ Ô-xtrây-li-a mới đây đã thông qua một chiến lược điều trị và phát triển vắc-xin ngừa Covid-19 (ảnh bên) trị giá nhiều tỷ USD với mục tiêu giúp chính phủ có được danh mục vắc-xin an toàn và hiệu quả.  Từ nhiều tháng nay, Ô-xtrây-li-a cũng tham gia vào sáng kiến phân phối vắc-xin toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng.