Cảnh báo và đáp trả

Những đòn đánh phủ đầu và những đòn trừng phạt đã giáng vào các quốc gia, và những đòn đáp trả theo kiểu “ăn miếng trả miếng” cũng đã được tung ra. Trong khi đối đầu và bất đồng gia tăng, những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đã lên mức “báo động đỏ”.

Cảnh báo và đáp trả

1. Pháp tuyên bố, nước này và Liên hiệp châu Âu (EU) sẵn sàng đáp trả quyết định của Mỹ đánh thuế lượng hàng hóa trị giá 2,4 tỷ USD của Pa-ri (Paris). Tuyên bố được đưa ra sau khi Chính phủ Mỹ thông báo đánh thuế lên tới 100% đối với lượng hàng hóa trị giá 2,4 tỷ USD của Pháp, để trả đũa việc Pa-ri đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số (DST) 3% doanh thu đối với các công ty công nghệ có doanh thu hơn 27,86 triệu USD tại thị trường Pháp và 830 triệu USD trên toàn cầu. Danh sách các mặt hàng của Pháp bị đánh thuế gồm rượu sâm-panh, túi xách, phô-mai và nhiều sản phẩm khác, trong đó rượu vang sủi, sữa chua và phô mai Roquefort của Pháp có thể bị Mỹ áp thuế ngay tháng 1-2020. Biện pháp trả đũa mới của Mỹ đã gây tác động tiêu cực đến ngành xa xỉ phẩm tại Pháp. Các cổ phiếu xa xỉ phẩm hàng đầu gồm LVMH, Kering và Hermes ngay lập tức giảm từ 1,4% đến 1,5%.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruy-nô Lơ Me (Bruno Le Maire) cho rằng, những đe dọa áp thuế mới nhất của Mỹ đối với các sản phẩm của Pháp là không thể chấp nhận và Pa-ri sẽ không rút lại kế hoạch đánh thuế DST. Ông nhấn mạnh: “Trong trường hợp Mỹ áp các lệnh trừng phạt mới, EU sẽ sẵn sàng đáp trả”.

2. Ủy ban Cứu trợ quốc tế (IRC) cảnh báo: Nếu cuộc chiến tại Y-ê-men (Yemen) kéo dài thêm 5 năm nữa, cộng đồng quốc tế sẽ cần tới 29 tỷ USD mới có thể duy trì mức viện trợ nhân đạo như hiện nay cho nước này (ảnh bên). Con số trên cao hơn nhiều so với tổng ngân sách viện trợ nhân đạo trên toàn cầu. Theo báo cáo của IRC, 24 triệu người, chiếm 80% dân số Y-ê-men, cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp và 16 triệu người có nguy cơ bị đói. Cuộc nội chiến cũng khiến kinh tế Y-ê-men sụt giảm 50%. Ba triệu người Y-ê-men đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. IRC đánh giá: Với mức viện trợ như hiện nay, Y-ê-men sẽ mất 20 năm nữa để đưa số trẻ em thiếu ăn trở về mức như trước thời điểm xung đột bùng phát.

IRC kêu gọi Mỹ, Anh và Pháp gia tăng sức ép để các phe đối địch tại Y-ê-men thực hiện lệnh ngừng bắn ngay lập tức và trở lại hòa đàm. IRC nêu rõ lệnh ngừng bắn do Liên hợp quốc (LHQ) làm trung gian tại cảng Hô-đây-đa (Hodeida) đã góp phần ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn. Tuy nhiên, thỏa thuận vẫn chỉ mang tính cục bộ và chưa được thực thi đầy đủ.

3. Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp nhấn mạnh: Đến hạn chót ngày 6-12, nếu không cung cấp chi tiết thỏa thuận quân sự, an ninh và hàng hải mà Chính phủ Đoàn kết dân tộc Li-bi (GNA) được LHQ công nhận đã ký với Thổ Nhĩ Kỳ hồi tuần trước, Đại sứ Li-bi (Libya) tại Hy Lạp sẽ bị coi là “nhân vật không được hoan nghênh” và phải rời nước này.

Thỏa thuận trên đạt được bất chấp Liên đoàn A-rập (AL), trong đó có Li-bi, kêu gọi chấm dứt hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm phản đối An-ca-ra (Ankara) tiến hành chiến dịch quân sự chống người Cuốc (Kurd) tại miền bắc Xy-ri (Syria). Hy Lạp đã triệu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ và Đại sứ Li-bi tại Hy Lạp để yêu cầu thông tin chi tiết về thỏa thuận này, do quan ngại rằng thỏa thuận này có thể vi phạm quyền chủ quyền của các đảo Hy Lạp ở Địa Trung Hải. Ai Cập và Síp (Cyprus) cũng phản đối văn kiện này.

4. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định: Việc bảo vệ sức khỏe con người khỏi những tác động của biến đổi khí hậu là cấp bách hơn bao giờ hết (ảnh dưới), song hầu hết các quốc gia chưa thực hiện đầy đủ các kế hoạch để đạt được mục tiêu này. Theo đó, chỉ có khoảng 38% số quốc gia có nguồn tài chính để thực hiện một phần chiến lược quốc gia và chưa đến 10% số quốc gia có nguồn lực để thực hiện đầy đủ chiến lược của họ.

Hiện chưa tới 25% số quốc gia có sự phối hợp rõ ràng giữa y tế và các lĩnh vực quan trọng liên quan đến biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí, giao thông, phát điện, năng lượng hộ gia đình. WHO cho rằng, Hiệp định Pa-ri về biến đổi khí hậu nhằm bảo vệ sức khỏe của mọi người. Do vậy, tất cả các chính phủ cần ưu tiên xây dựng khả năng phục hồi của hệ thống y tế trước tình trạng biến đổi khí hậu, để biến hiệp định này trở thành thỏa thuận y tế quốc tế mạnh nhất thế kỷ.

Cảnh báo và đáp trả ảnh 1