Báo động đỏ

Các cuộc khủng hoảng đang có dấu hiệu leo thang và vượt ra khỏi tầm kiểm soát, hậu quả là hàng triệu người có thể lâm cảnh “màn trời chiếu đất” hoặc bị đe dọa tính mạng. Báo động đỏ về xung đột, bạo lực, môi trường… đã được đưa ra tại nhiều quốc gia đòi hỏi chính phủ, người dân cùng phải hành động ngay trước khi quá muộn.

Báo động đỏ

1 Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách các vấn đề nhân đạo M.Lâu-cốc (M.Lowcock) cảnh báo: Cuộc xung đột tại Ca-mơ-run (Cameroon) đang ngày càng tồi tệ và có nguy cơ vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Phát biểu tại cuộc họp không chính thức đầu tiên của Hội đồng Bảo an LHQ về xung đột tại Ca-mơ-run, ông Lâu-cốc cho biết ít nhất 4,3 triệu người đang cần viện trợ, tăng 30% so năm 2018.

Ca-mơ-run đang mắc kẹt trong cuộc xung đột giữa các lực lượng chính phủ ở miền tây với lực lượng đòi ly khai, cộng thêm gánh nặng của dòng người tị nạn từ Cộng hòa Trung Phi và Ni-giê-ri-a (Nigeria) đổ sang. Hơn 560.000 người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa từ năm 2017. Bạo lực do lực lượng vũ trang nổi dậy Bô-cô Ha-ram (Boko Haram) gây ra tại Ni-giê-ri-a đã lan sang Ca-mơ-run. Theo số liệu của một tổ chức tư vấn quốc tế, hơn 200 thành viên lực lượng an ninh và 500 dân thường Ca-mơ-run đã thiệt mạng trong thời gian gần đây do xung đột bạo lực.

Báo động đỏ ảnh 1

2 Cảnh sát Xri Lan-ca (Sri Lanka) đã tuyên bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc trong ba ngày liên tiếp sau khi xảy ra vụ đụng độ tại vùng tây-bắc nước này khiến một người thiệt mạng, hàng chục cửa hiệu, nhà cửa và nhà thờ bị phá hoại. Trước đó, ngày 13-5, Chính phủ Xri Lan-ca đã ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc sau khi các vụ bạo lực nhằm vào người Hồi giáo lan rộng tại nhiều khu vực ở phía bắc thủ đô Cô-lôm-bô (Colombo). Hiện an ninh đã được thắt chặt trên khắp đảo quốc này. Cảnh sát đã bắt giữ 13 đối tượng liên quan các vụ đụng độ và đang tiếp tục truy bắt các nghi can. Thủ tướng R.Uých-rê-mê-xinh-hê (R.Wickremesinghe) kêu gọi người dân bình tĩnh và tuân thủ luật pháp.

Chính phủ Xri Lan-ca cũng thông báo tái áp đặt lệnh cấm một số mạng truyền thông xã hội và ứng dụng tin nhắn, trong đó có Facebook và WhatsApp, cho rằng bạo lực xảy ra sau một loạt cuộc tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội, xuất phát từ việc một cư dân địa phương hiểu lầm nội dung của một bình luận trên trang mạng Facebook là lời đe dọa nhằm vào những người Cơ Ðốc giáo. Xri Lan-ca là nơi có đa số dân theo đạo Phật, số người theo đạo Hồi chiếm khoảng 10% và người Cơ Ðốc giáo chiếm khoảng 7,6%.

3 Hàn Quốc công bố báo động đỏ về du lịch đến Buốc-ki-na Pha-xô (Burkina Faso) sau vụ một phụ nữ Hàn Quốc được quân đội Pháp giải cứu thành công sau gần một tháng bị một nhóm vũ trang ở Buốc-ki-na Pha-xô bắt cóc. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nâng cảnh báo du lịch từ mức 2 (hạn chế du lịch) lên mức 3 (khuyến cáo về nước) đối với khu vực miền đông Buốc-ki-na Pha-xô, trong đó có công viên quốc gia Pen-gia-ri (Pendjari) ở Bê-nanh (Benin) giáp biên giới với Buốc-ki-na Pha-xô.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng khuyến cáo công dân nước này đang lưu trú tại các tỉnh miền đông Buốc-ki-na Pha-xô và tiếp giáp biên giới Bê-nanh về nước ngay lập tức nếu không có công việc khẩn cấp. Bên cạnh đó, những người dự định du lịch đến khu vực này nên hoãn hoặc hủy kế hoạch. Cơ quan ngoại giao của Hàn Quốc sẽ tiếp tục theo dõi tình hình an ninh ở Buốc-ki-na Pha-xô để xem xét điều chỉnh cảnh báo du lịch trong thời gian tới.

4 Nồng độ khí thải carbon dioxide (CO2) trong khí quyển Trái đất vừa được ghi nhận cao kỷ lục ở mức 415,26 phần triệu (ppm) kể từ khi các chỉ số khí này bắt đầu được theo dõi cách đây hơn 60 năm. Ðiều này gióng lên hồi chuông báo động mới về tình trạng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới.

Các chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu tác động khí hậu Pốt-xđam (Potsdam-Ðức) nhận định: Chỉ số trên cho thấy thế giới không đi đúng hướng trong việc bảo vệ khí hậu, vì chỉ số cứ tăng và mỗi năm một cao hơn. Do đó, các nước cần phải ổn định chỉ số nồng độ CO2. Nồng độ khí nhà kính CO2 cao là một trong những nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính khiến không khí Trái đất nóng lên, đồng thời làm gia tăng tình trạng biến đổi khí hậu. Từ năm 2013 đến nay, nồng độ CO2 trong khí quyển Trái đất liên tục vượt ngưỡng 400 ppm.