Áp lực bủa vây

Có quá nhiều khúc mắc đang cần được giải quyết trên thế giới. Nhưng, tuần qua, tiến trình “hạ nhiệt” các điểm nóng đó lại chứng kiến sức ép gia tăng dữ dội từ các phía.

Áp lực bủa vây

1. Khóa họp thường kỳ của Đại hội đồng LHQ luôn là thời điểm vàng với nước Mỹ, khi nhiều nhà lãnh đạo thế giới tận dụng chuyến công du Mỹ dự kỳ họp LHQ để tìm cách tháo gỡ bất đồng trong nhiều vấn đề với “xứ Cờ hoa”. Không ngoại lệ, song khóa họp năm nay còn chứng kiến áp lực phải đối thoại, cân bằng các mối quan hệ đè nặng lên vai Tổng thống Mỹ Đ.Trăm (Donald Trump).

Phát biểu tại phiên khai mạc tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 74, Tổng thống Trăm tiếp tục đề cao chính sách “Nước Mỹ trước tiên” và tham vọng cải tổ thương mại quốc tế, song quan điểm theo “chủ nghĩa biệt lập” của lãnh đạo Mỹ không nhận được sự hưởng ứng. Tương tự, chủ trương của Mỹ gia tăng trừng phạt I-ran (Iran) với lý do vì an ninh vùng Vịnh cũng không được ủng hộ, ngay cả các đồng minh châu Âu, như Pháp, Đức và Anh cũng thúc giục Mỹ đối thoại.

Cùng lúc đón tiếp các lãnh đạo đồng minh, chủ nhân Nhà trắng lại bị đối tác đưa vào thế kẹt. Tổng thống Trăm cùng Thủ tướng Ấn Độ N.Mô-đi (Narendra Modi) dự sự kiện chào mừng của cộng đồng người Mỹ gốc Ấn (ảnh trên), phát đi thông điệp về mối quan hệ nồng ấm Mỹ - Ấn. Song, trước đề nghị của Thủ tướng Pa-ki-xtan (Pakistan) I.Khan (Imran Khan), Tổng thống Trăm buộc phải tuyên bố “sẵn sàng làm trung gian” trong vấn đề Ca-sơ-mia (Kashmir), điều trước nay ông Trăm vẫn cho là “việc riêng” của Pa-ki-xtan và Ấn Độ...

2. Tương tự, Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn (Boris Johnson) buộc phải cắt ngắn chuyến tham dự kỳ họp LHQ để về nước, sau khi Tòa án Tối cao Vương quốc Anh ra phán quyết bất lợi cho ông. Theo đó, Tòa cho rằng, hành động của ông Giôn-xơn “treo” Nghị viện là phạm luật và không có giá trị pháp lý, đồng nghĩa các nghị sĩ Anh có thể trở lại làm việc ngay lập tức, điều mà Thủ tướng Giôn-xơn lo ngại có thể cản trở mục tiêu Brexit mà ông theo đuổi. Chỉ trích Tòa án Tối cao “phạm sai lầm” khi mở rộng quyền phán xử sang các vấn đề chính trị, song Thủ tướng Giôn-xơn vẫn tuyên bố tôn trọng phán quyết của tòa.

Hạn chót Brexit (31-10) đến rất gần, trong khi bế tắc vẫn chưa được khai thông để cho ra đời một bản thỏa thuận Brexit mới. Không chỉ lãnh đạo Anh, mà cả Liên hiệp châu Âu (EU) đều chưa thể “chốt” quy định nào thay thế “điều khoản rào chắn” liên quan “biên giới mềm” trên đảo Ai-len (Ireland), khiến nguy cơ Brexit không thỏa thuận chưa thể được loại bỏ.

3. Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la (Venezuela) N.Ma-đu-rô (Nicolas Maduro - ảnh dưới) thăm Nga trong bối cảnh áp lực bủa vây quốc gia Nam Mỹ, xuất phát từ khó khăn trong nước, lẫn sức ép can thiệp từ bên ngoài. Ngay trước thềm chuyến thăm, các nước thành viên Hiệp ước Tương hỗ liên Mỹ (TIAR) đã kích hoạt cơ chế trừng phạt theo TIAR, bất chấp việc Vê-nê-xu-ê-la đã từ bỏ tư cách thành viên từ năm 2015. Đồng nghĩa, các nước TIAR được phép sử dụng mọi biện pháp, như điều tra, bắt giữ, dẫn độ và trừng phạt các quan chức chính quyền Tổng thống Ma-đu-rô. Tương tự, Nhóm Li-ma (gồm Ca-na-đa và 13 nước Mỹ la-tinh) đe dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt mới chống chính quyền Vê-nê-xu-ê-la, dù vẫn khẳng định không dùng vũ lực để “khôi phục trật tự hiến pháp và dân chủ tại Vê-nê-xu-ê-la”. Không là thành viên Nhóm Li-ma, Mỹ cũng tuyên bố ủng hộ mở rộng trừng phạt Vê-nê-xu-ê-la...

Áp lực bủa vây ảnh 1

4. Với Xy-ri (Syria), việc thành lập ủy ban soạn thảo bản hiến pháp mới được xem như “khởi đầu tốt đẹp” cho tương lai chính trị của quốc gia Trung Đông. Trong tuyên bố thành lập Ủy ban Hiến pháp Xy-ri, Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét (Antonio Guterres) nhận định, đây là bước đi được chờ đợi từ rất lâu trong tiến trình hòa bình ở Xy-ri. Ủy ban sẽ gồm 150 thành viên là các đại diện của chính phủ, phe đối lập và các tổ chức xã hội, song không bao gồm đại diện chính quyền tự trị người Cuốc ở miền bắc và đông bắc Xy-ri.

Tiến trình soạn thảo hiến pháp mới cho Xy-ri sẽ đi kèm các biện pháp xây dựng lòng tin; và LHQ cam kết ủng hộ, thúc đẩy các điều kiện thuận lợi cho công việc của Ủy ban, tại Giơ-ne-vơ (Geneva) của Thụy Sĩ. Nga, I-ran và Thổ Nhĩ Kỳ hoan nghênh việc khởi động cơ quan do LHQ hỗ trợ nhằm soạn thảo hiến pháp cho Xy-ri. Tuy nhiên, Mỹ cho rằng không đặt quá nhiều kỳ vọng vào hoạt động cũng như sự tồn tại lâu dài của ủy ban này.