Vì tình yêu Hà Nội

Với bề dày lịch sử - văn hóa, Hà Nội đã và đang thu hút một bộ phận đông đảo trí thức nước ngoài cống hiến cho sự phát triển lâu dài của Thủ đô nói riêng và của đất nước nói chung. Tình yêu gửi gắm trong những đóng góp quý báu của họ đang từng ngày tô điểm thêm cho hình ảnh của thành phố.

Tiết học ngoại khóa vui vẻ giữa học sinh Việt Nam với thầy giáo nước ngoài.
Tiết học ngoại khóa vui vẻ giữa học sinh Việt Nam với thầy giáo nước ngoài.

“Một chốn rong chơi”

Hà Nội nổi tiếng với cuộc sống đường phố nhộn nhịp tràn đầy màu sắc. Những quán cà-phê vỉa hè, nơi mà người ta nhâm nhi hương vị cà-phê Việt đậm đặc, thơm ngon, và lặng lẽ ngắm nhìn phố xá hối hả. Những hàng ăn mộc mạc, đơn sơ nhưng đậm hương vị ẩm thực truyền thống. Những gánh hoa bên đường rực rỡ sắc mầu… Tất cả đã vẽ nên một bức tranh vô cùng nên thơ, trong lòng những vị khách nước ngoài.

Người Hà Nội ăn ngoài phố và yêu cũng ngoài phố. Ông M.Ra-ma (Martin Rama) đến từ U-ru-goay (Uruguay), cựu chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (World Bank), nhận xét về lối sống của người dân Hà Nội sau tám năm làm việc tại nơi đây: “Tôi thấy mọi người vẫn thích sống ngoài trời, trên đường phố, ở công viên, từ ăn uống đến yêu đương”.

Là tác giả của cuốn sách “Hà Nội, một chốn rong chơi”, từ chuyện tình nồng nàn của mình với Hà Nội, Martin Rama đã phác họa nên những nét khác biệt dưới góc nhìn độc đáo của một người Mỹ la-tinh: “Hà Nội giống như một món ăn được chế biến bằng những nguyên liệu tươi ngon với liều lượng lý tưởng…”. “Cô ấy” - cách gọi tên thành phố hết sức dễ thương gần gũi của ông cũng chính là cách mà ông nhìn nhận vẻ đẹp của Thủ đô nước Việt - một thiếu nữ xinh đẹp, duyên dáng và quyến rũ trong độ chín bừng nở. Theo M.Rama, Hà Nội vẫn “luôn là một thành phố đáng sống”. Hơn thế, “cô ấy” còn rất đáng yêu. Những tòa nhà được xây dựng với rất nhiều phong cách kiến trúc khác nhau vẫn đứng hài hòa cạnh nhau. Đền chùa và nhà thờ nằm xen lẫn với những khu buôn bán sầm uất.

Hà Nội không đẹp bởi những công trình to lớn, đồ sộ. Chùa Một Cột, Tháp Bút, cầu Thê Húc hay chùa Trấn Quốc… là những nét xinh xắn tạo nên sự duyên dáng đặc trưng của “cô ấy”. Và bí mật của sự duyên dáng đó có vẻ giống một công thức nấu ăn hơn là một chiến lược quy hoạch chặt chẽ. Một “cái duyên” thăm thẳm: “Tôi yêu Hà Nội ngay từ lần đầu gặp gỡ, vào tháng 10 năm 1998, và đến giờ, tình yêu đó vẫn chưa hề nhạt phai” - Martin Rama hồi tưởng.

Vượt qua những khoảng cách

Năm 2015, trên cả nước có khoảng 80.000 người Hàn Quốc, 8.000 người Nhật Bản và 1.200 người Đức… đang sống, học tập và làm việc, chủ yếu tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Khoa Việt Nam học và tiếng Việt của Trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn tại Hà Nội, với gần 50 năm bề dày lịch sử, đã và đang đào tạo hơn 250 sinh viên nước ngoài đến từ khắp nơi trên thế giới. Đây là thí dụ điển hình về môi trường học tập của các bạn sinh viên quốc tế, là cầu nối trực tiếp truyền bá ngôn ngữ và nét đẹp văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Thầy Nguyễn Thiện Nam, chủ nhiệm Khoa Việt Nam học và tiếng Việt chia sẻ: “Sau những ấn tượng tốt đẹp ban đầu, đa phần sinh viên nước ngoài thường bị sốc văn hóa cũng như là ngôn ngữ. Từ phong cách sống hằng ngày, cách ứng xử giao tiếp tới chính những món ẩm thực lạ như thịt chó, mắm tôm hay trứng vịt lộn… phần nào đã gây khó khăn cho sự hòa nhập của họ”.

Học cách phát âm tiếng Việt với sáu thanh điệu khác nhau, hay sự đa dạng của đại từ nhân xưng (bắt đầu ngay từ lời chào) là những vất vả ban đầu mà các sinh viên cũng cần phải vượt qua. Tuy vậy, với sự nhiệt tình và tâm huyết của các thầy cô, cũng như sự cởi mở thân thiện của người Hà Nội, bạn bè quốc tế đã từng bước vượt qua những trở ngại, để rồi rất nhiều người trong số họ thấy yêu, thấy gắn bó với ngôn ngữ, con người và mảnh đất này.

“Người Hà Nội nói rất nhiều, hơn hẳn người Hàn Quốc khi mới quen nhau. Cũng chính nhờ sự cởi mở thân thiện của con người ở đây, mình đã hòa nhập dễ dàng hơn…” - chị Kim In Suk, một người Hàn Quốc đã sống và làm việc ngót nghét 10 năm ở Hà Nội tâm sự.

Những con người hành động

Nhưng cũng có một góc khác của Hà Nội, một thành phố còn bộn bề trong quá trình phát triển nóng. Đâu đó, có tiếng thở dài, có sự thảng thốt của những người bạn nước ngoài khi gặp những điều chưa phản ánh được nét thanh lịch Tràng An từng rạng danh xưa nay. Và đã có những con người hành động, chung sức vì một Hà Nội đẹp hơn…

Đã gần một năm nay, nhóm tình nguyện khoảng 20 - 30 người (bao gồm những nhà đầu tư, các chuyên gia kỹ thuật người Nhật Bản, một số người Trung Quốc và cả các bạn sinh viên trẻ của Việt Nam) đều đặn nhặt rác ở hồ Gươm vào chủ nhật cuối mỗi tháng. Doanh nhân người Nhật Bản Ni-nô-mi-y-a (Ninomiya), sống và làm việc ở Hà Nội đã được bốn năm. Ngoài nhặt rác, ông còn in tờ rơi kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường. Ông hy vọng cuối năm nay nhóm sẽ thu hút khoảng 50 người tham gia trong hoạt động đầy ý nghĩa này.

Mới nhất, vào ngày 9-9, giải thưởng Bùi Xuân Phái về Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội được trao tặng cho một người Mỹ - anh G.Ken-đan (James Joseph Kendall) và nhóm Giữ sạch Hà Nội (Keep Clean Hanoi), vì những đóng góp tích cực trong việc bảo vệ môi trường. Được người dân Thủ đô gọi thân mật là “ông Tây móc cống”, Kendall đã trở thành một “hiện tượng”, sau hành động “xắn tay áo xuống mương thối vớt rác” hồi tháng 5. Nhóm Giữ sạch Hà Nội của anh đã thu hút sự tham gia đông đảo của cả người nước ngoài cũng như sinh viên trong nước, vào mỗi dịp cuối tuần.

Những hành động thiết thực của những người như Kendall và Ninomiya đã gợi lên những thay đổi thực tế và mạnh mẽ, trong tâm thức người dân và cả chính quyền. Đó là sự lựa chọn một cách sống: Đừng chỉ yêu bằng lời, mà hãy thể hiện tình yêu của mình bằng những hành động cụ thể nhất, thiết thực nhất, bền bỉ nhất.

Dĩ nhiên, đó mới chỉ là điểm khởi đầu. Nhưng, nếu ai cũng có thể hành động như họ - những “người Hà Nội đích thực” từ trong tâm tưởng, thì không chỉ một dòng kênh, một mặt hồ, một con phố… mà cả một không gian rộng lớn từ phong cảnh đến tinh thần sẽ sạch hơn, đẹp hơn, giàu những màu sắc văn hóa hơn. Thủ đô yêu dấu sẽ không chỉ đẹp lung linh trong thi ca, nhạc họa, mà trở lại nguyên vẹn là chính mình - một thực thể sống động, lấp lánh, đầy giá trị…

Một “chốn rong chơi” đáng nhớ. Một “nhan sắc” vẫn luôn mặn nồng giữa những phôi pha…