“Thuốc giải độc” cho bến cảng

Nhiều người dân thành phố New York (Mỹ) mơ ước có thể thưởng thức một con cá được câu lên từ bến cảng địa phương, nơi từ lâu đã bị cảnh báo ô nhiễm nghiêm trọng. The Billion Oyster Project (Dự án Một tỷ con hàu), được thành lập từ năm 2014, nhằm mục đích hiện thực hóa giấc mơ ấy.

Kaya Aras giữ trên tay loại tảo mà anh và các học sinh khác nuôi để sinh sản hàu trong phòng thí nghiệm trường.
Kaya Aras giữ trên tay loại tảo mà anh và các học sinh khác nuôi để sinh sản hàu trong phòng thí nghiệm trường.

Từ rất lâu rồi, bến cảng New York bị coi là một khu vực ô nhiễm không nên lại gần. Năm 2014, một nhóm các nhà khoa học kết hợp cùng nhiều học sinh, sinh viên và tình nguyện viên đã khởi động chương trình cải thiện tình trạng đó. “Thông qua việc khôi phục một tỷ con hàu, chúng tôi hy vọng sẽ thay đổi được hình ảnh bến cảng trong tâm thức mỗi người dân”, ông Pete Malinowski, Giám đốc điều hành Dự án Billion Oyster, tràn trề hy vọng.

Không chỉ là một món khai vị phổ biến, hàu hợp thành rạn san hô cung cấp môi trường sống cho nhiều loại thủy sinh, giúp làm sạch nước và góp phần bảo vệ bến cảng trước sự tàn phá của các cơn bão. “Phần lớn nguồn gây ô nhiễm xuất phát từ lượng ni-tơ trong nước thải. Ni-tơ kích thích tảo nở hoa, rút ô-xy ra khỏi nước biến khu cảng thành vùng nước chết. Lúc này, các rạn san hô hàu sẽ là liều thuốc giải độc. Chúng lọc nước, loại bỏ và kết hợp ni-tơ vào vỏ và mô khiến môi trường gần các rạn san hô sạch sẽ hơn”, ông Malinowski khẳng định.

“Thuốc giải độc” cho bến cảng ảnh 1

Các lồng đầy vỏ sò được tải lên sà-lan để thả xuống sông Hudson trong nỗ lực hồi sinh vùng cảng.

Hàu phát triển rất thích bám vào các vỏ sò trưởng thành. Dự án Billion Oyster sẽ thu gom vỏ sò cũ từ các nhà hàng trong thành phố. Bên cạnh đó, học sinh tại Trường New York Harbor cũng giúp sức để nhân giống hàu trước khi đưa chúng xuống cảng. Đây là một phần trong nỗ lực giáo dục thế hệ trẻ, nhằm kích thích sự quan tâm trong việc khôi phục và bảo vệ môi trường.

Kaya Aras, học sinh cuối cấp tại Trường New York Harbor, chia sẻ: “Sự ô nhiễm khiến chúng tôi tránh xa khỏi bến cảng nhưng khi trực tiếp tham gia thực hiện và nhìn thấy những gì hàu làm được, tôi tự tin nơi đây sẽ trở lại thời kỳ trong sạch”.

“Tinh thần và nhiệt huyết của các bạn trẻ đang góp phần tạo nên đội ngũ những người quan tâm và muốn bảo vệ bến cảng”, John Waldman, nhà sinh vật học Trường cao đẳng Queens nhận định. “Mùa hè 2018, cá voi đã xuất hiện cách Manhattan vài dặm. Một con cá tầm dài hơn 4 m cũng được ghi nhận đang kiếm ăn quanh khu vực các rạn san hô. Bến cảng đã sạch sẽ và rực rỡ lên trông thấy”.

Với mục tiêu đến năm 2035 sẽ hoàn tất chương trình đưa một tỷ con hàu vào khu vực bến cảng, những “nhà máy lọc nước” thiên nhiên này đang từng ngày giúp cải thiện đáng kể chất lượng nước. Rút cục, “con sóng ô nhiễm” cũng sẽ phải quay đầu.