Olympic vì môi trường

“Thân thiện với môi trường” là thông điệp mà Ban Tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020 (Nhật Bản) muốn quảng bá tới khắp năm châu qua những hoạt động nhỏ nhưng đầy ý nghĩa.

Olympic vì môi trường

Các nhà tổ chức Olympic Tokyo 2020 khẳng định, tất cả các bục nhận giải tại Thế vận hội sắp tới sẽ được sản xuất hoàn toàn bằng vật liệu tái chế. Ðồng hành cùng thông điệp và những lời kêu gọi, một loạt các hoạt động thực tế đang được triển khai thường xuyên.

Dọc theo bãi biển Katase Higashihama và nhiều khu vực khác phục vụ Thế vận hội, xuất hiện ngày một nhiều các tình nguyện viên tham gia nhặt rác và đã thu gom hơn 117 kg chất thải nhựa. Người dân thành phố Tokyo thay vì quẳng đi những vật dụng nhựa phế phẩm, nay đang tập hợp chúng lại trong những thùng đặc biệt được đặt sẵn khắp thủ đô, bên ngoài hơn 2.000 chi nhánh của chuỗi siêu thị AEON để phục vụ cho mục đích tái chế.

Ðây là lần đầu, bục nhận giải tại một kỳ Thế vận hội được làm từ chất thải nhựa. Ðể hoàn thành mục tiêu này, hơn 45 tấn nhựa phế thải sẽ được sử dụng để sản xuất hơn 100 bục nhận giải tại kỳ Olympic 2020.

Giám đốc điều hành Thế vận hội Tokyo - ông Toshiro Muto tin tưởng: "Kế hoạch này giúp thúc đẩy thông điệp về sự bền vững - chủ đề chính của Olympic tới. Dự án này mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt khi những lời kêu gọi sẽ được gửi đến không chỉ người dân Nhật Bản mà hướng tới cả những phần còn lại của thế giới, thông qua độ phủ sóng rộng khắp của sự kiện thể thao quốc tế lớn nhất trong năm".

Ngoài bục nhận giải, Ban Tổ chức Olympic Tokyo 2020 còn quyết định sản xuất các bộ huy chương tái chế từ điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử hỏng hóc. Hơn 2.700 kg đồng, 4.100 kg bạc và 30,3 kg vàng đã được chiết xuất bắt nguồn từ rác thải điện tử nhờ sự trợ giúp của cộng đồng địa phương và các doanh nghiệp Nhật Bản.

Không dừng lại ở đó, các VÐV nước chủ nhà thi đấu tại Olympic Tokyo 2020 cũng sẽ mặc các trang phục được làm một phần từ quần áo tái chế được thu thập trên khắp "xứ sở Mặt trời mọc".