Dải phân cách… rau

Giữa con phố đông đúc của Beverly Hills (California, Mỹ) nơi "tấc đất tấc vàng", có một vườn rau tươi tốt, đa dạng với cà chua, ớt, dưa chuột, bí mùa hè, bí xanh thường, bí vàng, cà tím, bông cải xanh, ngô và bí bơ,… diện tích khoảng 550 m2, cung cấp thực phẩm sạch cho người vô gia cư.

Dải phân cách… rau

Lớn lên trong nông trại Beverly, lại có tình yêu đặc biệt với trồng trọt, John Fallon bén duyên với nghề nông từ khi còn nhỏ, và nơi thực hành đầu tiên là mảnh vườn nhỏ ngay sau nhà của gia đình. Nửa thế kỷ sau, dựa trên kỹ năng ngày càng được trau dồi, Fallon đã giúp được rất nhiều người, bằng mảnh vườn ở ngay… dải phân cách!

Tuy yêu thích trồng trọt từ nhỏ, nhưng mãi đến khi buộc phải về hưu sớm, John Fallon mới có thể sử dụng kỹ năng đó để làm công việc từ thiện. Ông đã nghĩ rằng, chắc hẳn có rất nhiều người khác, cũng như ông, bị mất việc bởi quá trình tự động hóa! Vậy có thể giúp được họ chút gì chứ?

Với suy nghĩ đó, năm 2016, ông nộp đơn lên cơ quan quản lý giao thông của thành phố để được sử dụng phần đất trống trên dải phân cách vào việc tạo ra một vườn rau, củ, quả miễn phí cho
bất cứ ai khó khăn. Ngay lập tức, ý kiến đó của ông được chấp thuận, cơ quan quản lý thành phố cho phép John canh tác mà không thu một khoản phí nào, miễn là tất cả sản phẩm thu hoạch đều phải được quyên góp cho các tổ chức từ thiện.

Trong bốn năm hoạt động phi lợi nhuận, mảnh vườn của Fallon thu hoạch và quyên góp trung bình 1,4 tấn rau/năm, đủ cho 12.000 người/năm. Trước tình hình dịch Covid-19, ông quyết định cần phải tăng năng suất lên 2,3 tấn/năm. Câu hỏi làm sao giúp được nhiều người hơn nữa luôn thôi thúc ông tìm kiếm phương án tối ưu.

Dải phân cách… rau -0

Là người ủng hộ các hoạt động bảo vệ môi trường, John lựa chọn canh tác hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ. Ðiều này quả không đơn giản, muốn bảo vệ môi trường, ông phải tự mình thực hiện tất cả các khâu: từ trồng trọt, chăm bón đến thu hoạch. "Tiếng lành đồn xa", vườn rau phúc lợi của ông thường xuyên nhận được sự trợ giúp của các tình nguyện viên, có thể là sinh viên từ Trường Landmark ở Beverly hay đội bóng đá nữ của Trường đại học Gordon.

Dù đã sản xuất được khối lượng thực phẩm lớn, nhưng tầm nhìn của Fallon còn xa hơn thế: "Tôi mong rằng mỗi thị trấn hoặc thành phố có thể dành ra 10.000 m2 để canh tác, hoặc bất cứ thứ gì cần thiết để hỗ trợ những người vô gia cư trong khu vực của họ".