Chuyện về cây cầu bện cỏ

Cây cầu bện thủ công từ cỏ có lịch sử cả trăm năm còn sót lại trong đời sống của cộng đồng người Inca hôm nay bởi nó đã vượt lên ý nghĩa thuần túy của một cây cầu. Q’eswachaka - bắc nối những nhịp thời gian.

Chuyện về cây cầu bện cỏ

Cây cầu di sản

Trên hẻm núi cao ở khu vực dãy Andes thuộc Peru, có một cây cầu cỏ cũ kỹ cheo leo, bắc qua con sông Apurímac, với cái tên Q’eswachaka. Ðây là cây cầu treo cuối cùng của người Inca còn tồn tại cho đến ngày nay, dài 36 m, bắc ngang qua sông ở độ cao 67 m. Cầu được tạo thành từ năm chiếc dây thừng lớn bện từ cỏ Qoya. Từ mấy trăm năm trước, người Inca dùng đôi bàn tay tạo ra những cây cầu bện từ cỏ để phục vụ nhu cầu đi lại giữa các dòng sông.

Trước khi có sự xuất hiện của những cây cầu bằng sắt thép, đây chính là con đường duy nhất nối liền những ngôi làng ở hai bên bờ sông. Hệ thống cầu cỏ ấy là một phần của Great Inca Road (Con đường vĩ đại của Inca). Những cây cầu cỏ như thế này là một phần quan trọng trong quá trình mở rộng của đế chế Inca từ Cuzo theo bốn hướng và nó tồn tại bất chấp điều kiện địa lý khắc nghiệt của dãy Andes. Nhưng theo năm tháng, những cây cầu này dần bị phá hủy. Một số không còn được dùng đến và cuối cùng đã biến mất khi những con đường bê-tông và cầu vượt cho xe ô-tô đi qua bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ 20. Chỉ còn duy nhất cầu Q’eswachaka, do vị trí biệt lập, đặc thù kết nối bốn cộng đồng nói tiếng Quechua là Huinchiri, Chaupibanda, Choccayhua và Ccollana, nên vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay.

Vào năm 2013, cây cầu Q’eswachaka được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại nhờ vào vai trò quan trọng của nó đối với những người dân đang sinh sống tại khu vực ấy. Từ đó nơi này trở thành một địa điểm du dịch nổi tiếng trong cộng đồng những du khách ưu thích sự mạo hiểm.

Hàm ý của một tập tục

Mỗi mùa xuân, các cộng đồng dân cư bản địa sẽ cùng nhau thực hiện những nghi lễ tu bổ cây cầu. Những sợi cỏ dài được những bàn tay phụ nữ khéo léo thu gom rồi bện lại thành những sợi dây thừng. Những việc nặng nhọc hơn như giăng một sợi dây thừng dài hơn 30 m và to bằng bắp đùi một người trưởng thành, dọc theo cây cầu cũ sẽ là phần việc của đàn ông. Người ta sẽ chặt bỏ đi phần cầu cũ, để nó rơi tự do xuống hẻm núi thẳm sâu. Rồi sau đó, những người thợ làm cầu dày dặn kinh nghiệm bắt đầu kết nối cầu từ hai đầu trở vào giữa. Khi những người thợ từ hai đầu cầu gặp nhau, họ xếp những miếng lót lên phần sàn và thế là một cây cầu mới được hoàn thiện. Cho đến khi cây cầu hoàn thành, những người dân nơi đây sẽ cùng nhau cầu nguyện, ăn mừng với âm nhạc và tiệc tùng. Cầu Q’eswachaka đã được xây dựng rồi liên tục làm lại như thế trong suốt nhiều thế kỷ qua.

Tập tục cùng nhau tu bổ lại cho cây cầu cỏ biểu trưng cho ý niệm về sự chung sức của cộng đồng người. Những năm gần đây, phong tục làm cầu có một chút thay đổi. Thay vì sửa cầu ba năm một lần, giờ đây họ sửa cầu mỗi năm một lần vừa để bảo đảm an toàn vừa như việc tạo nên một sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Làm sao có thể bỏ lỡ cơ hội vừa có thể tận hưởng nét đẹp hùng vĩ của dãy núi Andes, vừa có thể trải nghiệm dịp thưởng thức một trong những tập tục thú vị của người dân địa phương và đặt bước băng qua cây cầu treo có lịch sử trăm năm ?