“Bồ đề đại lão” làng Dịch Diệp

Làng dịch Diệp thuộc xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Căn cứ vào các tư liệu của Viện Hán Nôm, việc thành lập xã Dịch Diệp là do Lý Thái Tổ ra chiếu chỉ, tính tới nay làng đã hơn nghìn tuổi.
“Bồ đề đại lão” làng Dịch Diệp

Hệ thống di tích làng cổ Dịch Diệp còn có ngôi đền thờ Tam vị Thành hoàng là Trương Trần Đại vương, Lậu Khê Đại vương và Phạn Vũ Đại Pháp thiền sư. Đây là ba vị tướng có công lao lớn trong cuộc chiến chống ngoại xâm, đã được các triều đại ban 17 sắc phong. Làng có quần thể di tích đình chùa, phủ Mẫu, văn chỉ, y chỉ… và phải kể đến những cây đề, cây đa cổ thụ. Đặc biệt, cây bồ đề (trong ảnh) làng Dịch Diệp có tuổi khá cao.

Vào năm 1112 - thời Lý Nhân Tông (1072-1128), vị Thành hoàng thứ ba là Nguyễn Công Phạn dâng biểu từ quan, được vua chuẩn y. Ngài về làng tu tại chùa Dịch Diệp, cùng dân tu bổ lại chùa, đúc chuông, tạc tượng… tôn tạo hoàn chỉnh khuôn viên; sau đó trồng cây, tạo cảnh. Trong đó có cây bồ đề và cây đa, dưới gốc đa dựng ngôi miếu nhỏ gọi là Miếu Bà Làng. Rất tiếc, cây đa đã bị chết năm 2007, nay chỉ còn lại cây bồ đề. Như vậy, cây bồ đề tính tới nay đã 900 năm tuổi, trường tồn qua ngót một thiên niên kỷ với bao bão tố dập vùi. Đặc biệt, năm 1962 cơn bão số 7 có tên Harriet khi vào bờ gây ảnh hưởng lớn, làm gãy một cành chính, cao lớn nhất. Rất may, cây chỉ hơi nghiêng, sau bật lên năm cành mới có dáng như bàn tay xòe cao vẫy gió, dân làng và người ở nơi khác có dịp đến ngắm nhìn đều trầm trồ trước vẻ đẹp lạ lùng của cây.

Thời nào làng cũng cử người trông nom, chăm sóc, đặt tên cây là “Bồ đề đại lão”. Nhiều người dân làng còn nhớ, khoảng năm 2005-2006, không hiểu vì sao chỉ có phần tán quay về phía chùa lá còn xanh, phần phía ngoài thì cứ trụi dần. Năm 2007, làng đã họp bàn lập ra Ban kiến thiết có nhiệm vụ chỉnh trang lại chùa chiền. Khi tát nước hồ để xây kè, bao gốc cho cây, mới phát hiện dưới gốc cây bị sụt lở, chỉ còn phần rễ bám vào đường chùa là sinh sôi nên lá mới bị như thế. Làng đã lập tức chở hơn 40 khối bùn đất chèn vào gốc cây, vừa tạo thế, vừa để bồi dưỡng, nhờ vậy cây phát triển bình thường trở lại. Giờ thì gốc cây bồ đề lão ấy đã có chu vi tới 9 m, cao 20 m, tán lá rộng 960 m2. Hằng ngày, kể cả lúc nắng, khi mưa, dưới tán bồ đề cổ thụ luôn có người làng quây quần nghỉ ngơi, chuyện trò tâm tình vui vẻ.

Những cổ thụ có tuổi thọ cao tới mức “bách niên” ở nước ta không nhiều. Ninh Bình có cây Chò nghìn tuổi, Ý Yên (Nam Định) có cây Dã hương làng Dương Phạm; cây Dã hương cổ thụ ở Bắc Giang từng được Vua Lê Hiển Tông (1740-1786) ban sắc phong “Quốc chúa đô mộc Dã đại vương”… Như vậy, cây bồ đề làng Dịch Diệp, xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định cũng rất xứng đáng được xếp vào danh sách cây cổ thụ Việt Nam.