Trên cánh đồng tháng Mười

NDO -

Các miền lúa đã xong gặt vụ mùa. Những cánh chim sà xuống cánh đồng chuyên cần lượm thóc. Đừng hỏi “bao giờ cho đến tháng mười” khi hương lúa mới quyện vào giác quan cho ta thanh yên tâm hồn.

Trên cánh đồng tháng Mười

Tháng 10 hoa sữa ngạt ngào. Hương sữa lùa từ phố nhỏ vào ngõ. Thư phòng bộn sách vẫn muốn trữ thơm. Tháng 10 mùa bạch yến, loài hoa búp trắng đắm hương. Đi về phía nhà cô tôi khu Mỹ Đình làng bún Phú Đô, làng cốm Mễ Trì. Làng cốm còn có gần 40 hộ làm nghề gia truyền, chủ yếu bằng máy; chỉ 5 nhà giã cốm bằng tay. Làng ít ruộng, đồng thành chung cư, công trình san sát, lúa non thiếu, mua nơi khác về. Cốm hầu như có quanh năm. Những cánh đồng bao giờ cũng cho chúng ta được trở về thơ bé, dẫu ai đó tuổi thơ không hề gần gũi cánh đồng. Pleiku rừng trong phố, hay thành phố có rừng; thì Hà Nội có nông thôn, ruộng trong thành. Trên đất nước nông nghiệp, đồng, ruộng, lúa, thóc gần gũi thân quen, chẳng cần về quê mình hay quê người mới thấy. “Quê” thành khái niệm chung cho hầu hết vùng tỉnh lẻ có canh tác. Tháng Mười vụ mùa là vụ lúa chót năm.

“Quê” thành khái niệm chung cho hầu hết vùng tỉnh lẻ có canh tác. Tháng Mười vụ mùa là vụ lúa chót năm.

Tháng Mười, cuối Thu là mùa no ấm. Được mùa, vui bõ những tháng nai lưng dãi dầu, tảo tần lam lũ. Trái đất thủng tầng ozone nóng lên, nước biển dâng, biến đổi khí hậu, rừng bị cháy và bị phá khiến bão lũ dữ tợn hơn. Thiên tai dịch họa là cuộc trút giận của tự nhiên, biết trước thì chống đỡ được một phần. Lúa lên đòng, sắp gặt bão lũ ập đến là hỏng hết hoa màu, gia cầm, gia súc bị cuốn theo. Dù nỗ lực đến đâu, Trái đất không bao giờ hết dân nghèo, đói. Nông dân châu Âu, Mỹ không cực nhọc vì các quốc gia công nghiệp phát triển, lao động chân tay chủ yếu bấm nút, điều khiển tự động còn nông dân Việt Nam bao đời kiếp vẫn ngâm chân ruộng nước, cắm mặt cắm từng nhánh mạ. Nông dân Việt khó thoát lo âu truyền kiếp. Thanh niên nông thôn ngày nay, hầu hết không muốn ở quê làm nông. Lúc cấy, gặt cánh đồng lom khom bóng trung niên, làng xóm ngày thường hầu như chỉ còn người già ở lại. Lo mưa, lo sâu bệnh, lại lo mất trắng không phải bão cuốn mà thủy điện xả lũ bất thường. Thủy điện ngày một nhiều thêm, mà điện vẫn thiếu; quận thủ đô điện mất không vài ngày không “lạ”. Nước nhiều úng ngập không có nước thì ruộng nứt khô, sao trồng cấy? Thủy lợi bảo đảm tưới tiêu nước ở kênh mương bao quanh đồng xả nước vào đồng khô. Vụ này vụ khác, năm nay năm sau, ruộng nuôi thân mạ thành cây lúa, trổ bông trĩu hạt cho thu hoạch chỉ còn gốc rạ. Đốt gốc rạ thành tro bón, ruộng trống không. Đồng toàn rạ rồi lại ngợp xanh mạ trổ, ruộng đồng, đất Mẹ nhẫn nại tận lực nuôi sống con người. Vài trăm năm, ngàn năm, đến thế kỷ 21, những cánh đồng phập phồng nơm nớp. Dự án, quy hoạch lấp đè, san ủi bủa vây nông dân sở hữu làm chủ ruộng đồng của mình, bất lực trước cam đoan tuổi thọ của cánh đồng cụ kỵ, ông cha để lại.

Họ - nông dân sao tránh thoát cám dỗ, áp lực đô thị hóa để bền bỉ giữ đồng. Và họ - những cánh đồng có linh hồn, tự soạn sửa một kiếp khác lúc đợi ngày bị nằm dưới bê - tông. Kiếp khác ấy trong ký ức dân gắn bó và ai thương nhớ đồng quê. Không hiếm người nói yêu những cánh đồng, còn yêu bằng tình yêu bền bỉ, thủy chung, bảo vệ mơ chẳng nhiều. Dù sống, chết đều cần cánh đồng.

Bão lũ, thiên tai tháng ba ngày tám, giáp hạt, thất bát... làm người ta một thời chỉ mơ ấm no ước mùa bội thu. “Bao giờ cho đến tháng Mười”, không chỉ là khắc khoải vì thiếu đói, nó đã mở rộng phạm vi cho nhiều mong mỏi khác. Tháng Mười thành mốc hẹn, miền khao khát. Đấy là tên một bộ phim đỉnh cao của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Thường làm phim từ kịch bản của mình, quê gốc Huế cuộc đời gắn bó Hà Nội, ông lại làm những bộ phim bối cảnh nông thôn đặc sắc. Nông thôn là hồn Việt. Đặng Nhật Minh có hai phim truyện về thôn quê đầy xúc động: Thương nhớ đồng quê (1995) và Bao giờ cho đến tháng Mười (1984). Sau gần 30 năm, cánh đồng Thường Tín - bối cảnh quay phim Bao giờ cho đến tháng Mười đã bị vụn vì quy hoạch, trồng hoa. Và sau gần 20 năm, bối cảnh cánh đồng cách sân bay Nội Bài 5km trên đường về Hà Nội đã không còn nữa. Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết: “Đường từ sân bay vào thành phố, trước kia hai bên là những cánh đồng rộng lớn, nay là những khu công nghiệp, cánh đồng làng Hương Gia chỉ còn bé tẹo. Muốn biết cánh đồng ấy xưa đẹp thế nào, chỉ còn cách... xem phim của tôi”.

Cánh đồng dông bão, cánh đồng nên thơ không chỉ ở đồng bằng. Cánh đồng miền núi đã thành di sản quốc gia: ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Yên Bái. Miền núi ít đất, hiếm nước, bà con vùng cao làm ruộng bám theo sườn núi. Đường cong bậc là sóng xanh sóng vàng, bức tranh đẹp lạ giữa không gian phóng khoáng núi rừng. Ống bương dẫn nước suối vào ruộng, cọn xoay trên suối, có chày giã lúa dùng sức nước. Ruộng bậc thang là cánh đồng khuông nhạc trên cao, là giấc mơ truyền đời phơi mở giữa đất trời, mỗi bậc lúa là một bậc tới ước mơ no đủ.

Bản sắc văn hóa Việt Nam hội tụ 54 dân tộc. Miền núi còn giữ nhiều độc đáo, để hào hứng, khám phá. Trong dòng máu tôi, miền núi là mạch chảy dẫn nguồn. Lúa miền núi thơm hơn đồng bằng, nhất là lúa nếp. Lại có nếp cẩm từ đấy đồ xôi cẩm, xôi bảy màu (nhuộm bằng lá rừng). Để cúng rằm tháng Bảy, Tết tháng Giêng.

Tháng Mười, Trùng Khánh quê tôi lúa đã về nhà, hạt dẻ mẩy không kịp tay người lượm. Những gì ngon đẹp, tinh tú nhất của Cao Bằng, đều ở Trùng Khánh: hạt dẻ, chè đắng, bánh khảo bọc giấy hồng, cá trầm hương, động Ngướm Ngao (động Hổ), thác Bản Giốc, những chàng trai cô gái đẹp. Lúa nếp cẩm làm nền cho hương dẻ. Rừng dẻ chứa bao nhiêu ước mơ của những dòng họ, của những người con xứ sở, đâu chỉ ba hạt như cổ tích. Hạt dẻ hầm xương, hạt dẻ luộc già nghiền với cốm, ngon tuyệt và nổi tiếng nhất là hạt dẻ luộc rồi rang khô, vỡ nứt ra, tách lớp vỏ nâu là hạt vàng lòng đỏ trứng gà chín, thơm bùi khôn tả.

“Giản dị là cái khó nhất trên đời này: đó là giới hạn tột cùng của từng trải và là nỗ lực tột cùng của thiên tài”.

Vựa lúa lớn, không chỉ ở đồng bằng cánh đồng Tú Lệ mùa vàng rực sang vựa lúa Tây Bắc Mường Thanh. Mường Thanh ở Điện Biên, địa danh nô nức tiếng toàn cầu, là cánh đồng lịch sử. Lúa gạo Mường Thanh từng nuôi đoàn quân chiến dịch Điện Biên, nuôi vị Đại anh hùng dân tộc Võ Nguyên Giáp. Người đã sống, chỉ huy chiến đấu ở Điện Biên và làm nên chiến thắng Điện Biên chói sáng. Người đã trở lại Điện Biên sau 50 năm chiến thắng, tháng 5-2004, lần gặp cuối cùng, với nhân dân, đồng chí dân tộc Thái, với Mường Thanh.

Nghệ sĩ Hoàng Cúc xa tuổi thơ 40 năm, tình yêu cánh đồng vẫn nguyên nơi chị. Dù có âu lo, mất mát, vết đau của đời người, của cánh đồng, cứ gặp đất là chị xốn xang muốn trồng cây trồng hoa, khác hoàn toàn những cặp mắt thấy đất đai ra bài toán “bất động sản”. Mỗi mùa Xuân, các vị sư, người đến chùa thường mua chim để thả, tục phóng sinh này thiện tâm từ lâu đời.

Từ lâu, tôi có ý nghĩ, nếu có phép màu cho tôi tàng hình đến tất cả những nhà nuôi chim, tôi sẽ tháo cửa lồng cho chim được bay ra cuộc sống tự do. Song lại băn khoăn chim bị nhốt an toàn hơn. Dù không được bay, nhưng chúng được chăm sóc, cho ăn uống đầy đủ. Tự do, có lên được trời cao, có về được rừng đâu, ra phố, còi động cơ đinh tai, kẹt xe chen người, quán xá ngổn ngang biển đặc sản, thu mua hết cả chim lẫn châu chấu, cào cào, cạm bẫy, nòng súng săn chim sống làm sao? Còn cánh đồng nào thanh yên để chim bay, đậu, mót thóc mà không giật mình hoảng sợ bẩm sinh không?

Nhà văn George Sand (1804 - 1876), nữ tiểu thuyết gia nổi tiếng người Pháp, cuộc đời có nhiều mối tình và như gắn bó với nhiều cánh đồng. Đoạn cuối đời, bà viết theo khuynh hướng đồng quê, nổi bật là: Ao ma, Cô bé Fadette. Qua nhiều phức tạp, thử thách, bà đúc rút một câu tuyệt vời: “Giản dị là cái khó nhất trên đời này: đó là giới hạn tột cùng của từng trải và là nỗ lực tột cùng của thiên tài”.

Lúa gặt hết rồi. Cánh đồng tháng Mười bỗng khóc không thành tiếng. Bao giờ có lúa chín rực những cánh đồng bao la thanh yên?