Sài Gòn mùa Thu

NDO -

Ai đó sẽ thắc mắc: Sài Gòn làm gì có thu, chỉ hai mùa mưa nắng. Ở lần thứ 33 đến Sài Gòn, số lần bằng số tuổi, Vi mới gặp mùa thu.

Sài Gòn mùa Thu

Biết bao người đã yêu Thu Hà Nội, huống hồ Vi được sinh ra, lớn lên gắn bó đất này. Tình yêu được tôn sang, lưu dấu khi vào nghệ thuật. Thế đã là yêu chưa, Sài Gòn, thành phố (TP) Vi đã đến nhiều nhất.

Mọi sự vật đều có linh hồn. Trái tim đa tình bẩm sinh đang bồi hồi nhịp nhớ.

“... Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng / Nhớ quán ăn quen nhớ ly chè thơm, nhớ đèn đường từng đêm thao thức”.

Vẳng lời ca Trịnh Công Sơn trên đường Sài Gòn quận 1, quận 3 thân thuộc: Cá tính một TP không chỉ là phong cách kiến trúc, lối sống, mà còn ở khí hậu, cây trái đặc thù.

Lê Quý Đôn, Lê Thánh Tôn, Bà Huyện Thanh Quan, Trần Quốc Thảo, Nguyễn Thị Minh Khai, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lý Tự Trọng - các con đường quận 1, quận 3 trung tâm đan nối hàng me. Tính cách phương nam đơn giản, phóng khoáng , hay dùng chung một từ cho nhiều sự vật: thứ đựng đồ uống gọi chung là “ly”, vật đội đầu đều kêu gộp là “nón” và mọi ngả lớn nhỏ có người đi, xe chạy đều gọi là đường, dù lắm khi, đường chỉ là con hẻm.

Vàng là mầu đặc thù của Thu Hà Nội. Sài Gòn Thu vẫn mướt xanh hàng me, vút cao ngàn thân sao, dầu thẳng tắp. Thành phố vắng cây thì linh hồn trống trải. Sài Gòn còn điệp rộ hoa vàng, như Hà Nội. So sánh, liên tưởng cùng lúc hai đô thị lớn nhất nước, để thấy hiếm hoi lần đầu, nhịp liên thu.

Liên Thu, Hà Nội sau năm năm mở rộng, diện tích lớn hơn TP Hồ Chí Minh, dân số xấp xỉ. Sài Gòn hiện đại tầm vóc - đô thị kinh tế lớn nhất nước, vẫn giữ được “chất” hào sảng vốn dĩ, dẫu hội tụ dân các miền, người gốc bắc chiếm 1/8 triệu dân sống. Đi lại thuận tiện, sản vật các miền giao thương, người Hà Nội ở Sài Gòn hôm nay không phải khắc khoải “Thương nhớ mười hai” theo từng tháng như Vũ Bằng (1913 - 1984) viết năm 1972.

Mưa nối tiếp làm Hè năm nay mát hơn, như ngắn lại. Phải lòng rồi ư mà nhận cảm chuyển động khác biệt của Sài thành. Thu sớm, Thu Bồn bối rối chẳng biết “Nói gì với mùa Thu” (1990) khi thấy: “Sau cơn lửa mùa Hè giờ tóc em đã nguội”, còn ta lắng nghe nhau trong những - lời - không - nói. Thơ lãng quá, khi Anh ôm em chậm dưới tán me, tóc tết vương môi ngọt hôn dài cuốn lá me non mầu cốm.

Đâu cần làm thơ khi chất thơ ùa về Sài Gòn theo tiết lạ. Thu kinh điển có lá vàng, heo may, nước hồ trong, cốm ngọc ấp lá sen của Hà thành không lặp lại nơi nào. Hoa bằng lăng tụ quả, bàng rụng trái vàng, sấu xanh bán rầm rộ trong hai tháng, chuyển vào nam vị chua Hè, giữ lại bao lăm chờ độ chín? Lúc hạ tuần tháng 7, ánh sáng Sài Gòn hệt Hà Nội Thu. Mới tháng 6 lịch ta, Vi cùng người con gái phải sống xa Hà Nội sững người khi xuyên qua mùi hoa sữa. Dừng xe lại, hít căng ngực hương và ngước lên. Ôi! Cây sữa trĩu trịt hoa đang nở trên đường Cao Thắng, quận 10. Mưa ngày, phố bớt bụi và ngột ngạt, mưa đêm mở không gian bao la, câu hò sông nước miền tây, cánh đồng ngút mắt át trăng đầy. Sài Gòn nhịp sống hối hả, tốc độ xe chạy ạt ào, vội cả những trận mưa. Đô thành lớn nhất miền nam nhiều cám dỗ, sức hút tưởng chẳng lúc nào ngừng, ngủ, hiếm chỗ cho sự lắng đọng, êm đềm, tích mình trong bao lần “thương nhớ mười hai”, những thèm khát mộng mơ, để năm nay có mùa kỳ lạ thế!

Còn hơn một tháng mới Trung Thu, Hà Nội đã bán nhiều nhãn. Cây dâu da trĩu quả đỏ vẫn lưu chùm hoa trắng. Bánh nướng, bánh dẻo đã bày bán các miền. Sài Gòn Thu sớm đang luân lưu tiết độ theo thức quà, hoa trái. Quận 5 rộn đám trẻ gõ trống, tiếng trống chưa át được tiếng ồn đủ loại, vẫn kịp dẫn Vi đến đêm rước đèn miên man ngày nào. Không gian mở ra vườn thượng uyển mở hội trên cao, sao sáng trong đèn ông sao rực phố. Đất đai miền nam phì nhiêu, trái cây nhiều quanh năm. Bơ xanh, chín chất đống vỉa hè, xe trái cây rong ruổi khắp đường to, hẻm nhỏ. Nào xoài, mãng cầu, măng cụt, chôm chôm, bưởi da xanh lại có đào, mận ngoài bắc; ổi, đào níu bước mời chào. Thời bận rộn này, khó hội ngộ “ngẫu nhiên”, kỷ niệm phải được ân cần kiến tạo. Nối nhau bay, Thanh Phong cùng Vi hưởng mấy tối Thu nơi “thành phố, tình yêu và nỗi nhớ”... “Người đàn bà trắng hồng tên Gió” ấy đã sững người trước hàng bán thị, thứ quả vàng từ cổ tích giữa tiết thu Sài thành. Đêm đón Vi, hé cửa phòng, hương thị ùa dắt lối. Trái nhỏ, cuống lá mịn xanh, Vi đặt lòng tay ngắm nghía, hít hà cho thỏa. Đêm sâu nồng, thở khẽ, chờ cô Tấm bước ra.

Mùa Thu đẹp phải có trăng. Trăng chỉ tỏa được vẻ lung linh, huyền diệu khi có không gian. Ở các đô thị chật người, xe, nhà cao tầng, lũ trẻ thiếu chỗ chơi, ánh trăng đành thay bằng ánh điện. Đèn điện đủ mầu, hình dáng, có thể làm nên độ lộng lẫy đô thị đêm, không gì thay thế nổi trăng, ánh sáng tự nhiên đem huyền diệu, thời gian trở lại. Vi cùng Gió dạo đường Đồng Khởi, phố sang trọng, đẹp nhất Sài Gòn, “Champs Élyseés” của “Hòn ngọc Viễn Đông”. Gió quyến hương thị chín, ngước “Bầu trời hình vuông/Nằm trên cao ốc”. (1) Nhìn bằng mắt ấu thơ, sẽ thoát khỏi các “hình vuông” ấy, thấy ông Thần Nông chăn bầy sao dọc sông Ngân. Chữ S Sài Gòn uyển chuyển sức sống theo chữ S Việt Nam, gặp trăng non như vành môi đón đợi. Qua sông Sài Gòn, sang hai quận mới: 7 và 2, nhiều villa, chung cư xây trên cánh đồng. Hà Nội, Sài Gòn vẫn còn những cánh đồng ngoại ô. Dù chúng ít dần đi, tỷ lệ nghịch số dân và mật độ, các khu đô thị mới vẫn cho ta chốn thở và mở tầm nhìn theo biên độ ý nghĩ. Lúa vụ Hè - Thu đang thì con gái, gió từ sông, từ Biển Đông hòa thành sóng lúa những cánh đồng, cả cánh đồng dưới đường bê-tông và cánh đồng ký ức. “Em đi gặt trên cánh đồng cổ tích/ Lúa bàng hoàng chín rực những triền sông”. (2)

19-9 mới là rằm tháng Tám nông lịch, cuối tháng 7, đã nở hoa ngâu, nguyệt quế sau kỳ nắng nóng, mưa đáp lễ chờ mong tắm lá. Lá reo như mắt chớp, như đàn, mà tàng cây xanh bền bỉ trả bóng cho ta, bao giá nhạc khổng lồ. Thu là mùa gặp lại.

Vi cùng Gió dạo đường Đồng Khởi, phố sang trọng, đẹp nhất Sài Gòn, “Champs Élyseés” của “Hòn ngọc Viễn Đông”. Gió quyến hương thị chín, ngước “Bầu trời hình vuông/Nằm trên cao ốc”.

Vợ chồng Ngâu bước qua cầu Ô Thước. Anh gặp và yêu em, trong “sét đánh” tìm thấy bình yên. Thu hiện trước cổ tích - lịch sử bừng Thu xứ sở. Tháng 8 này, tròn 68 năm khởi nghĩa. Cách mạng đột khởi để chưa đầy hai tuần sau, 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc Lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tại quảng trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội. Đâu phải chỉ Xuân là mùa sinh sôi. Thu là mùa khởi phát, mốc son vang vọng của dân tộc, của những đời người.

Đời chúng ta, có thể phân kỳ, theo tuổi theo mùa. Nếu tuổi độ thu, chẳng nên lo lắng. Sống đẹp, là còn ở lại, đến được hôm qua.

“Hôm qua” của chúng ta, là những đứa trẻ. Ngày mai của đất nước trông vào trẻ em hôm nay. Những đứa trẻ chạy ùa từ tranh Nguyễn Thị Hiền, trăm bức sơn mài, sơn dầu cho triển lãm cá nhân tháng 10 tới đang reo vui. Chúng muốn hái sao rước đèn rằm tháng Tám. Đinh Quân đã mang 10 tranh sơn mài khổ lớn từ Hà Nội vào gallery 8 Phùng Khắc Khoan (TP Hồ Chí Minh ) triển lãm trong tháng Tám này.Thiếu nữ, những người đàn bà đẹp trong giấc mơ thực tại và tưởng tượng, phơi mở lộng lẫy trong cuộc trưng bày cá nhân lần đầu ở Sài Gòn, kéo dài chưa từng thấy của Đinh Quân, như “chiếm” cả mùa Thu phương nam lạ lẫm.

Bất giác, Vi muốn thành gió, tự do, phóng thoáng, bước gió không hạn định.

Ước chi được hóa thành ngọn gió/ Để được ôm trọn vẹn nước non này”. (3)

Những bàn tay vẽ, viết, lao động và yêu thương như mềm lại, ấm hơn và trẻ trung khi Sài Gòn Thu sớm. Thu lại và mở ra tin yêu, hy vọng mới trong sức sống lao động của TP hơn 300 mùa Thu đang hòa sắc kinh đô Rồng bay nâng tầmViệt Nam yêu dấu. Vòm trời tròn lung linh tỏa sáng tựa quả thị cổ tích khổng lồ mở chậm. Từng cánh, từng cánh... cánh mở ngón đan những cửa ô lộng gió. Gió lịm miên hương vào tóc thời gian...

........................

(1) Thơ Nguyễn Nhật Ánh.

(2), (3) Thơ Lưu Quang Vũ.

Minh họa: ĐINH QUÂN