Những trang thư thời đại

NDO -

Những vấn đề, sự kiện quan trọng của mỗi quốc gia và thế giới hầu hết được ghi chép lại nhờ các nhà sử học. Còn đời sống mọi mặt của xã hội hằng ngày, được phản ánh, lưu lại bởi những tờ nhật báo. Báo chí (BC) không chỉ chuyển tải tin tức, nó chứa đựng thông tin về công nghiệp giấy, in ấn, trình độ công nghệ, tư duy con người theo từng thời đại mà nó tồn tại.

Minh họa: NGUYỄN THỊ HIỀN
Minh họa: NGUYỄN THỊ HIỀN

Mới, cập nhật là đặc trưng của BC, nó thể hiện mạnh mẽ qua hệ thống báo điện tử, online 24/24 giờ. Nhưng hằng ngày, người ta vẫn mua báo in và ngóng các tờ tin nhanh mỗi mùa bóng đá. Loạt kiosque bán báo trước cổng Báo Nhân Dân 71 Hàng Trống, Hà Nội là một “trung tâm” phát hành BC lớn nhất Thủ đô hiện thời. Đâu phải ai cũng có laptop, iphone; không phải chỗ nào mạng cũng phủ sóng, nên báo in, nóng hổi (cả hai nghĩa) thơm mùi mực, có sức lan truyền, cộng hưởng, từ chính người mua / cầm nó trên tay. Sạp hàng trăm tờ báo, tạp chí, nhìn các manchette thân thiết, thấy gợi lên bao điều. Làm sao viết về những cột mốc thay đổi của BC nhân loại, dù chỉ là tóm lược vào trang báo Nhân Dân hằng tháng này? Bởi tính tân văn, thời báo như nhật ký tổng hợp từng ngày. Mỗi tờ báo ghi lại lịch sử (LS) xã hội, hàm chứa LS của chính nó và đồng loại.

Tờ báo quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam, ra đời tại Sài Gòn, Gia Định báo, số 1 ngày 15-4-1865, đầu tiên do E.Poteau, thông ngôn của soái phủ Nam Kỳ làm chủ bút, nên lúc đầu báo như “bản dịch” của tờ Courrier de Saigon. Tới 1869, Trương Vĩnh Ký làm chủ bút, tuần báo có những thay đổi quan trọng. Tại Hà Nội, Đông Dương tạp chí (1913 - 1919) do học giả, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936) chủ bút, ra vào Chủ nhật hằng tuần.

Song LS BC Cách mạng Việt Nam lấy dấu mốc 21-6-1925, ngày này được coi là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đây là ngày ra số 1 báo Thanh niên (1925 - 1932), cơ quan của Tổng bộ Hội Thanh niên Cách mạng Việt Nam. (Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội), tờ báo ra đời ở Quảng Châu, viết bút thép, in giấy sáp, do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, là Tổng biên tập. Tương tự cách in, nơi in, năm 1926, Người cũng cho xuất bản bí mật tờ Công nông.

Thực dân Pháp đưa công nghệ báo chí vào Annam, các nhà in (sách, báo) hoạt động khá rầm rộ tại hai thành phố lớn, ngặt một nỗi, cách mạng Việt Nam thuở trứng nước còn nghèo, vùng kháng chiến phải dịch chuyển cơ động nên không có xưởng, do đó, các tạp chí của Đảng vẫn in lito, viết tay trên đá là chủ yếu (tới 1945 như Gái ra trận, Khởi nghĩa, in tại Thanh Hóa) Bonsevic (1934 - 1937) đánh máy, in giấy sáp; tạp chí Cộng sản (1941 - 1943) viết tay trên đá; một vài tờ khác viết mực tím, in thạch bản.

In lito (lithographie) là cách in thủ công, thợ in khắc chữ ngược trên đá (thạch bản, ngược như hình ảnh soi gương) in từng tờ, rất tốn công, mất thời gian. Bước tiến tiếp theo là in typo (typographie), tức là bản thảo đánh máy, báo in bằng máy, thợ thủ công sắp chữ. Công nghệ in typo kéo dài cho đến cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, khi tin học phổ biến và máy tính phát huy công năng hiện đại, bảo đảm cho cỗ máy báo chí tiện lợi, nhanh, đồng loạt khi cùng lúc báo có thể in tại nhiều nhà in trong nước, kể cả nước ngoài. Ngày nay, từ em bé chơi game đến cụ già lướt web, máy tính phổ dụng thành tiện nghi thiết yếu, ta lại nhớ cách đây chưa xa, chừng trên một thập niên, các cộng tác viên vẫn gửi bài bằng bản viết tay hoặc đánh máy chữ; các tòa soạn đều có nhân viên đánh máy, báo lớn có cả một phòng đánh máy bài của cộng tác viên. Bút, một phương tiện hành nghề của phóng viên (PV), được coi là biểu tượng nghề: nghề cầm bút, dù tất cả PV gõ phím cũng khó gọi là “nghề bàn phím”. Bàn phím dành cho nhiều nghề; còn nhà báo, nhà văn - những người phải thu thập quan sát, ghi lại dữ liệu đời sống gắn bó cây bút lâu đời. Một phóng viên yêu nghề, chăm chút tác phẩm không bao giờ khi tác nghiệp chỉ phó mặc, lệ thuộc máy ghi âm.

Qua thời gian, những trang sách, báo ngả vàng. Không cá nhân nào đủ điều kiện và sự kiên tâm để lưu trữ trăm tờ báo các thời trong nhà, để tự mình có cuốn phim tư liệu “Toàn cảnh báo chí Việt Nam thế kỷ XX đến nay”. Xem một tờ báo của năm 70, 80 thế kỷ trước hay xa hơn, có thể hình dung bộ mặt báo chí của thập niên ấy.

Nửa thế kỷ trước, các danh họa Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng rồi Hoàng Lập Ngôn, Văn Cao, cùng nhiều họa sĩ (HS) khác tham gia minh họa, làm báo in thời bao cấp có độ sang mà sự hiện đại của công nghệ khó sánh được.

Báo Văn nghệ (từ 1957) có bề dày minh họa phong phú nhất. Hồi thập niên 60, 70 thế kỷ trước, ông Phất là nhân viên khắc tranh của HS vào gỗ, từ gỗ in vào trang báo, chữ thì in typo. HS Nguyễn Thị Hiền làm họa sĩ trình bày tạp chí Thanh niên (Trung ương Đoàn) từ 1968, bà cũng minh họa cho báo Nhân Dân, Đại đoàn kết, Tiền phong

Nữ HS kể lại: “Ngoài khắc gỗ, còn có cách in tranh lên bản kẽm. Minh họa đen trắng, phần đen nổi là hình thù tranh, phần trắng làm lõm bằng axit ăn mòn. HS trình bày dùng bút chì, thước kẻ, tẩy, đếm chữ, chia cột, mất công lắm; xong, bài vở tranh, ảnh đưa đến nhà in. Ngày ấy, nhà in Nhân Dân ở 24 Tràng Tiền là nhà in hàng đầu. Thợ in chọn khổ chữ, xếp chữ lên khuôn, chạy thử trên máy, tôi đọc lại, mỗi lần in phải theo dõi, về nhà quá nửa đêm là thường”. Sau này, các HS minh họa trên giấy can hoặc vẽ trên giấy thường rồi điều chỉnh trên giấy can; cho đến nay, có máy tính giúp cho cả người viết lẫn HS trình bày, tòa soạn tận dụng ưu việt của nó. Một số HS hiện giờ minh họa bằng máy tính; vẽ tay truyền cảm, đẹp hơn, bởi thế nó “có giá” hơn. Báo ngày nay in hiện đại,với công nghệ in offset, giấy tốt, nhiều mầu sắc, bắt mắt hơn xưa nhiều lần. Nhà in Nhân Dân, thời Pháp thuộc là nhà in I.D.E.O (Viễn Đông), hiện nay là Trung tâm Văn hóa Pháp (L’Espace). Bao thứ đổi thay mà vẫn có số phận lịch sử.

88 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, là 38 năm đất nước thống nhất, đọc lại những câu thơ Lưu Quang Vũ viết 40 năm trước, sao thấm thía về cuộc sống chúng ta đang được thụ hưởng.

Hãy cùng “Liên tưởng tháng Hai” nhìn cảnh Hà Nội Xuân 1973, sau những ngày bị bom B52 trút xuống. Một không khí báo chí ký họa bằng thơ :”Sớm hòa bình đầu tiên /Người lính già ngồi nhớ/ Những ai ngã xuống không về/ Những điện báo phát tin đi/ Các phóng viên ngoại quốc/ Chen chúc bao lơn khách sạn/ Tò mò chụp ảnh/ Trẻ con bồng bế nhau cười/... Hòa bình đến mong manh/ Nhiều tin đồn mà chẳng có gì ăn/ Người đông phố chật / Nhưng cây gạo cành hoa đỏ rực/ Như mưa rụng thắm mặt đường/ Em đi vào nhà in/ Những con chữ rời rạc/ Ghép vào thành sách, báo...”.

Trong số người “ngã xuống không về”, bên cạnh các chiến sĩ cầm súng, chiến đấu, có các phóng viên, quay phim mặt trận.

Thời đại Hồ Chí Minh, báo chí đồng hành cùng dân tộc, góp phần lưu giữ lịch sử bằng LS nhật trình. Bằng sức mạnh truyền thông to lớn, nền báo chí mỗi quốc gia tác động vào bộ mặt, cơ thể xã hội nó tồn tại. Hiệu ứng, khả năng kết nối và thu hút vô song, liên tục của báo chí toàn cầu. Đâu chỉ phản ánh, chứng kiến mà còn tham gia vào các biến cố chính trị, xã hội, gây ảnh hưởng và tương tác làm biến chuyển cục diện chính trường, cuộc sống thế giới. Quyền lực thứ tư, một trong các nghề nguy hiểm hay đánh giá đề cao về uy thế của báo chí trong đời sống, ở một mức thượng tầng của nhân văn, cũng chính là để con người biết về nhau, về mình, về sự sống Trái đất này, mà từng giây qua, lịch sử được cộng thêm, bao đứa trẻ sinh ra, lớn lên, già đi, những ai chết hay tiến gần đến hạn của quỹ đời, đều được mở mang về cuộc sống. Giữa hai trạng thái đối nghịch hồn nhiên và ý thức của tâm hồn người, nhà thơ, họa sĩ trừu tượng Pháp William Blake (1757 - 1827) viết: “Thế giới - Tấm khăn choàng chật hẹp của chúng ta” (1774).

“Chật hẹp” hay “bao la” là do tính tương đối theo từng ngữ cảnh. Em và Anh coi viết là đam mê, nghiệp trọn đời, bên nhau dưới “tấm khăn choàng thế giới”. Chưa khi nào thống kê chính xác số trang, bài viết của mình, đôi ta vẫn góp phần nhỏ bé vào hành trình báo chí nước nhà, bằng tình yêu và tâm huyết không nhòa nhạt. Cuộc sống thường hằng là viết, nhịp tim nối nhịp báo. Tháng Sáu rực nắng tỏa giăng ngân vui trái chín. Trang báo - trang đời, nhật trình lịch phức hợp. Theo dòng tân văn, những cái tên được nhớ khi cống hiến cho bạn đọc hồng - cầu - chữ.

 Thời đại Hồ Chí Minh, báo chí đồng hành cùng dân tộc, góp phần lưu giữ lịch sử bằng LS nhật trình.

10-6-2013