Những khắc mùa

NDO -

Chẳng phải tháng chín về, người Hà Nội ở Sài Gòn mới lại nao nao đón mùa thu. Bởi cảm giác thu ở Sài Gòn xảy ra rất thường, đến nỗi ai mà thành kính với thu Hà Nội, sống giữa Sài Gòn, lâu lâu lại phải nhấc mũ một lần.

Ảnh: HỒNG VĨNH
Ảnh: HỒNG VĨNH

Bạn không tin ư? Hãy thử thức dậy vào lúc tinh mơ, khi mà đường phố Sài Gòn vừa khô ráo sau một cữ tắm đêm, khi mà lá trên cành sạch tinh sau cơn mưa chớp nhoáng đang khô trở lại, và cái âm ẩm hơi sương bắt đầu dần tan đi. Đó là lúc Sài Gòn trong trẻo nhất, tưởng chừng như ngửi thấy cả mùi nhựa cây, mùi tinh dầu của đủ loại lá lẫn trong cái thoang thoảng của hương hoa đêm đang lui dần. Đó là lúc lá me và những bông hoa sao dầu xoay vòng vòng rồi thi nhau rớt không cần ý tứ xuống mặt đường láng coóng sạch bong.

Chẳng phải trải qua cả một mùa hè oi nồng ngột ngạt, những khắc thu Sài Gòn chỉ cần người thưởng thức nó đi qua một buổi trưa hanh nắng, bỗng dưng lạc bước vào mấy con đường mát lịm vắng tanh trong công viên Tao Đàn, mé Dinh Độc Lập là có thể ôm trọn.

Hoặc sau 6 giờ chiều, trước 7 giờ tối thứ bảy hoặc chủ nhật, né mấy con đường huyết mạch mà đi vào khu Phạm Ngọc Thạch, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng, quá bộ ra phía bến tàu hay tượng Trần Hưng Đạo, là cảm nhận được thu liền. Cũng chẳng cần đợi sen tàn để đón cúc nở hoa. Loài hoa độc quyền của mùa thu ấy, Sài Gòn có quanh năm, mỗi tội bé tí teo.

Cảm giác thu là bởi bầu trời và không khí đều trong veo, mát rượi, đơn giản thế thôi. Hay còn cần thêm cả những khắc Sài Gòn thưa vắng cả xe lẫn người?

Trên thực tế, không chỉ Đà Lạt mà Sài Gòn nhiều lúc cũng có cả ba bốn mùa trong ngày. Bỗng dưng tôi nhớ bộ phim từng đoạt ba giải quan trọng của LHP Sundance năm 1999 với sự tham gia của siêu sao Hollywood Harvey Keitel và Lê Thị Hiệp (“con cưng” của quái kiệt Oliver Stone trong tuyệt phẩm Trời Và Đất) - mang tên gọi Ba Mùa. Với ẩn ý rằng Sài Gòn không chỉ có hai mùa, là nắng - mưa mà còn có một mùa thứ ba, là mùa của ký ức và hy vọng.

Đạo diễn Tony Bùi đã chạm đến từng tế bào cảm xúc của người xem, bởi sự trong trẻo, tính nhân văn sâu sắc, điều mà nhiều nhà làm phim sau này chưa vượt qua được.

Trở lại với mùa của Sài Gòn, ngoài thời gian biểu đặc biệt của ông trời thì đó còn là những mùa của tâm trí. Hình như muôn sự đổi thay hay không cũng là ở nơi tâm trí con người. Đi giữa trưa nắng gắt, ngửi mùi da thịt khen khét, người miền trung sẽ nhớ cái khô khát của mùa hạ gió Lào thổi ran ran các cồn cát trắng.

Ở giữa chốn ngột ngạt, chật chội thì sẽ tưởng như được trở lại mùa hè miền bắc thời bao cấp, quạt cũng phải mua phân phối mà điện thì hạn chế. Sự mệt nhọc, khô khát cũng gợi hồi ức Bờ Hồ tháng sáu những thập niên trước 1990, thời các chàng sinh viên tỉnh lẻ galant đạp xe mười mấy cây số, chen chúc xếp hàng vã mồ hôi hột để mua cho người yêu một cây kem Bốn Mùa, ăn xong lại gò lưng đạp xe chở nàng về ký túc xá, vừa nhột nhột lo lo cái lưng áo mình sắp rữa ra vì loang loang vị muối. Nó cũng tai quái gợi thêm hồi ức những đêm tháng sáu oi ả dân Hà Nội 36 phố danh giá thùng thùng gánh gánh nơi máy nước ngầm vỉa hè, chờ hứng bằng được một hai thùng nước máy mát lịm “ríu rít gánh gồng” về nhà, phân phối mỗi người một ca dội từ đầu xuống chân cho dễ ngủ những đêm thiếu điện.

Còn mùa đông nữa, có khó kiếm không? Rất nhiều người bảo không có mùa đông nhưng tôi bảo có. Đấy là những đêm về sáng của mùa Noel, tiết trời Sài Gòn chừng 20 độ, đêm về sáng lại hào phóng hạ xuống thêm vài độ C. Nằm một mình trên tầng cao nhất một chung cư nhiều tầng, mà cửa sổ quên cài, gió thổi phần phật, hoặc máy điều hòa quên tắt, chăn chẳng có ai kéo giùm, thể nào cũng trải nghiệm một mùa đông tuyết rơi trong mơ, rồi thức dậy run cầm cập răng đánh vào nhau như thật. Thưa vắng quá, lạnh lẽo quá, thì nó thành mùa đông, thế thôi.

Đấy là mới nói về thời tiết, một phạm trù có vẻ như xa xỉ nhất.

Chả trách mỗi lần về miền bắc, miền trung thăm họ hàng, ai hỏi về Sài Gòn, bọn nhóc tì hay cong môi khoe: “gi gỉ gì gì cái gì cũng có”.

Nhưng hình như không ai buồn hỏi người lớn: thời tiết quyết định tâm tính hay tâm trí tạo ra thời tiết?