Email lúc 0 giờ:

Hà Nội - những bảo tàng

NDO -

Giờ thì mình biết rồi, với kẻ xa xứ lâu ngày, về Hà Nội chỉ có hai cách dễ chịu: một là thật nhanh hai là thật lâu, chứ giữa các khoảng ấy thể nào cũng rơi vào trạng thái ẩm ương. Tâm trí như bộ lego của trẻ con, rã ra rồi phải mất một thời gian xếp lại.

Hà Nội - những bảo tàng

Thà là ào về, kiểu công chức đi họp, sáng bay ra tối bay vào, đúng một lộ trình từ sân bay đến chỗ họp, xong lại vù ra sân bay, ký ức sẽ nhanh như một mũi kháng sinh, nhói cái rồi tan đi.

Hà Nội không phải của riêng mình, nhưng nó như một cái bảo tàng khổng lồ, một cách lộn xộn và đôi phần tùy tiện. Cất giữ mọi thứ.

Trong 40 năm đời mình thì Hà Nội chỉ chiếm chừng một nửa, không hơn nhưng là nửa mà mình luôn muốn nhớ.

Hà Nội là bảo tàng nhân vật, những con người mà có thắp cả nghìn ngọn đuốc cũng không tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác.

Cà-phê Quỳnh, đối diện phở Bát Đàn nơi ở của một trong tứ đại mỹ nhân của nền điện ảnh miền bắc, cũng là nơi đạo diễn Trần Anh Hùng khởi sinh ý tưởng Mùa hè chiều thẳng đứng.

Chặng Lý Quốc Sư - Đê La Thành giữ hình ảnh thi sĩ Lá Diêu Bông Hoàng Cầm tóc bạc phơ như tiên ông.

Một đoạn Phủ Tây Hồ giờ là dãy quán bún ốc lưu hình ảnh căn chòi lộng gió của thi sĩ Phùng Quán, người câu cá trộm bất hủ.

Căn phòng nhỏ như tổ chim trên phố Nguyễn Thượng Hiền nhìn ra hồ Hale đầy dấu tích nhà dân tộc học Từ Chi, góc Yết Kiêu - Đỗ Hành gợi nhớ những cầu thang đầy rêu lên nhà nhạc sĩ Văn Cao thì góc Vũ Lợi - Lê Duẩn lưu dấu thi sĩ Trần Dần, với chiếc mũ len như chiếc kén tằm vàng óng không che nổi cặp mắt dữ dội nói thay đôi môi câm lặng. Căn phòng nhỏ hanh nắng trên căn gác be bé phố Nhà Thờ nằm trên lưng một quán rượu rắn hồi thập niên 1990 là nơi ở của tác giả tình khúc Biệt ly, căn phòng nhỏ yên tĩnh đường Cao Bá Quát nhắc nhớ Đoàn Chuẩn, con phố Hạ Hồi và ngôi nhà của nhà sưu tập Nguyễn Hào Hải đầy ắp tranh lẫn hồi ức về danh họa Dương Bích Liên đêm đông năm nào giữa cơn say ném tranh mình vào lò sưởi giữ ấm cho người mẫu. Ngôi nhà ran tiếng chó sủa trong làng Yên Phụ của pho từ điển sống về kinh tế Việt Nam cố giáo sư Đặng Phong. Ngõ Văn Chương có ngôi nhà xinh xắn của nữ sĩ Anh Thơ, không xa bao nhiêu là căn nhà giản dị của nhà văn Sơn Tùng, nơi khách ăm ắp những tư liệu về Cụ Hồ.

Nếu địa chỉ 16 Lê Thái Tổ - Trung Tâm Phương pháp Câu lạc bộ lưu ký ức về một đêm bão âm thanh The Beatles cuồng nhiệt tưởng chừng đun sôi cả nước Hồ Gươm kỷ niệm 10 năm ngày mất John Lennon (bởi sự khơi mào của vài sinh viên cá biệt nay đã là đạo diễn thành danh). Thì Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô lưu ký ức trong trẻo về những đêm thơ sinh viên, một sinh hoạt tinh thần ngon - bổ - rẻ phổ biến hồi đầu thập niên 90 in dấu một thế hệ, vài người trong số họ giờ nắm vai trò lãnh đạo ở những tờ báo lớn.

Chếch lên phía ngã tư, đi xuôi theo đường Bà Triệu là tòa soạn báo Cứu Quốc cũ (nay là Đại Đoàn Kết) từng là nơi lui tới của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, nhà báo Thái Duy (Trần Đình Vân) những ngày xa xưa, nơi giải oan cho bao nhiêu số phận dân đen của một tờ báo hàng đầu về đấu tranh chống tiêu cực từ thập niên 1990.

Kể ra chắc hết cả chục trang giấy.

Vâng. Hà Nội có những góc phố mãi mãi ở lại với thế kỷ 20. Trong khi tất cả những nơi còn lại rùng rùng vươn cao vươn xa xuyên thẳng vào vào thế kỷ 21.

Đó là nguyên do vì sao sau bao nhiêu lần hẫng hụt, một vài kẻ xa xứ vẫn không tài nào lãnh đạm với Hà Nội như phần lớn di dân ở Sài Gòn.

Bởi vì...

Dù Hà Nội giờ lối sống có nhiều phần nhộn nhạo, lai căng

Dù Hà Nội giờ ít người Hà Nội hơn cả Sài Gòn.

Thì đằng sau những chao chát chợ búa, thói huênh hoang trưởng giả, sự nhẹ dạ và tinh thần a dua, những tập quán nặng nề của hôn nhân - gia đình - xóm giềng, bệnh trầm cảm, những ẩn ức, một thực tại hỗn độn nơi kinh đô hoa lệ, Hà Nội vẫn xứng đáng có những người tình rất mực thủy chung.

Nếu có một thứ tình cảm vừa mộng mị vừa xa xót, một thứ tình rất dai dẳng thì đấy là cái tình mà kẻ xa xứ dành cho Hà Nội.

Bởi vì bao nhiêu sản nghiệp trong ký ức, Hà Nội giữ cả.

Bao nhiêu người thân, bạn bè yêu quý nhất, lâu bền nhất, Hà Nội ôm hết.

Hà Nội, trong khía cạnh này, là kẻ giam giữ con tin.

Nhiều khi đi qua nhà bạn cũ không dám ghé. Nhiều khi qua chốn cũ không dám dừng... Có lần đến nhà người cũ, thấy vài thứ còn nguyên trên giá, cảm giác như vào bảo tàng.

Mỗi lần về, chỉ gặp được lại một vùng quen. Đôi lúc lẩn thẩn nghĩ nếu mỗi ngày gặp lại một người quen, mỗi ngày thăm một chốn thân, sẽ mất tất cả bao nhiêu thời gian?

Một tháng? Một năm? Hay là lâu hơn?

Thì đã bảo Hà Nội là một cái bảo tàng khổng lồ, trong đó lại cất giấu những bảo tàng nho nhỏ, mỗi bảo tàng nho nhỏ lại hé lộ những bảo tàng xinh xinh. Như con búp bê Matrioska, mở mãi không hết.

Mà nào ai đi hết được bốn chiều kích của ký ức?