Tạo đà cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Ngày 18-8, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tổ chức hội nghị “Xúc tiến đầu tư đợt 1” dành cho các dự án khởi nghiệp thuộc Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo Hà Nội. Trong đợt này, có 12 dự án xuất sắc được lựa chọn để tìm kiếm nhà đầu tư sau khi trải qua ba vòng đánh giá, tuyển chọn.

Các nhóm khởi nghiệp đã trực tiếp thuyết trình dự án nhằm thuyết phục các nhà đầu tư. Nhiều dự án đã nhận được những ý kiến đóng góp từ phía các nhà đầu tư như: Ứng dụng công nghệ thông tin phân loại rác từ đầu nguồn, Bán vé online, Sàn thương mại điện tử đại lý bán hàng online theo mô hình hạt nhân... Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phan Lan Tú cho biết, đây là cơ hội giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp cọ sát với thực tế hoạt động xúc tiến đầu tư, tìm kiếm nguồn vốn và nhà đầu tư.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong năm tháng đầu năm 2017, Hà Nội có hơn 10.500 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 79 nghìn tỷ đồng. Một tháng sau, Hà Nội có thêm hơn 3.000 doanh nghiệp nữa, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới trong sáu tháng đầu năm nay là 13.355 doanh nghiệp (tăng 16%), với tổng số vốn đăng ký 101.476 tỷ đồng (tăng 2%) so với cùng kỳ năm trước. Đây là một trong những nỗ lực của chính quyền thành phố trong cải cách hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch.

Thời gian qua, Hà Nội luôn chú trọng xây dựng các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời giải quyết khó khăn. Hà Nội đã xây dựng đề án hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp với mục tiêu phấn đấu có 200.000 doanh nghiệp thành lập mới trong giai đoạn 2016-2020. Tại Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển” tổ chức ngày 25-6 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội phấn đấu là thành phố tiên phong của cả nước về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy đã có những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, hành lang pháp lý cho vấn đề khởi nghiệp còn khá mới mẻ và có không ít bất cập cần lãnh đạo thành phố, các cơ quan chức năng và nhất là Chính phủ tháo gỡ. Cần sớm có thông tin chính thức về Quỹ đầu tư khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo trên các phương tiện thông tin chính thống, điều này không chỉ giúp doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam mà các nước khác cũng có thể tìm hiểu và trợ giúp. Hoặc thực tế hiện nay, có nhiều doanh nghiệp vừa là công ty khởi nghiệp, vừa là nhà đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp khác nhưng vẫn chưa có những quy định cụ thể. Và trong danh mục đăng ký kinh doanh hiện nay chưa có vị trí dành cho loại hình công ty này.

Về vốn hỗ trợ, đại diện nhiều doanh nghiệp cũng đề nghị phát triển thêm các kênh huy động vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, chú trọng huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán. Nghiên cứu và triển khai sàn giao dịch chứng khoán dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, giúp các doanh nghiệp huy động vốn trực tiếp từ xã hội. Hoặc Nhà nước có các chính sách hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động tốt trong ba năm đầu. Việc hỗ trợ này sẽ giúp doanh nghiệp khởi nghiệp có nguồn lực, bù đắp điểm yếu của thị trường lao động. Từ đó, có đà để trụ vững, phát triển bền vững hơn.