Nâng cao tính bảo mật khi sử dụng thẻ ATM

Mới đây, một khách hàng sử dụng thẻ ATM của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã bị kẻ gian sử dụng thẻ giả để rút gần 40 triệu đồng trong tài khoản. Sự việc này một lần nữa khiến người sử dụng thẻ hoang mang, nhất là vào thời điểm sát Tết khi nhu cầu giao dịch qua thẻ ATM tăng cao, đòi hỏi cơ quan quản lý sớm có biện pháp ngăn chặn.

Theo lời kể của chủ thẻ là chị M.N.Q (trú Yên Hòa, quận Cầu Giấy), vào thời điểm tài khoản của chị bị rút tiền, chị vẫn giữ thẻ bên người. Chị cũng không có thẻ phụ và không cung cấp thông tin về thẻ cho bất kỳ người nào khác. Theo các chuyên gia, trường hợp này là do kẻ gian sử dụng các thiết bị điện tử để sao chép thông tin thẻ ATM (skimming) và tạo ra một thẻ giả để tiến hành rút tiền trong tài khoản của nạn nhân. Các thiết bị sao chép thẻ bao gồm một đầu đọc được gắn vào khe đọc thẻ để lấy dữ liệu từ của thẻ và một ca-mê-ra hoặc bàn phím giả để ghi nhận mã PIN.

Đây là thủ đoạn không hề mới. Đã có hàng loạt khách hàng bị mất tiền trong tài khoản, thậm chí bị mất số tiền lên cả trăm triệu đồng vì thủ đoạn đánh cắp thông tin nêu trên. Cơ quan công an cũng đã bắt giữ nhiều đối tượng chuyên làm thẻ giả để trộm tiền trong tài khoản. Đồng thời, các ngân hàng, công ty an ninh mạng cũng đã cảnh báo đến khách hàng những thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao nhắm vào các chủ tài khoản ngân hàng. Mỗi dịp gần Tết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đều có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ tăng cường chất lượng dịch vụ và bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ATM dịp Tết.

Tuy nhiên, số nạn nhân của tội phạm thẻ ngân hàng không hề giảm, nhất là dịp sát Tết Nguyên đán khi người lao động được nhận những khoản lương qua tài khoản. Còn nhớ, đúng ngày 26 Tết Mậu Tuất 2018, hàng loạt khách hàng sử dụng thẻ ATM của Ngân hàng Vietcombank ở Thái Nguyên cũng đã bị rút tiền trong tài khoản vào ban đêm. Theo các chuyên gia, việc kẻ gian đánh cắp thông tin thẻ có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ sự bất cẩn của khách hàng dẫn đến lộ lọt thông tin. Tuy nhiên, trong nhiều vụ việc, nhất là các vụ việc xuất phát từ hình thức tiến công skimming thì lỗi lại không phải từ phía khách hàng. Hiện nay, việc sử dụng thẻ từ với công nghệ bảo mật bằng từ tính và thông tin được lưu trữ trên dải băng từ ở mặt sau thẻ chính là điểm yếu của hầu hết các thẻ ATM ở Việt Nam. Các thông tin lưu trữ trên dải băng từ này chỉ được mã hóa một lần và khi quẹt thẻ qua máy thanh toán hoặc cây ATM, thông tin sẽ được giải mã. Khi đó, dù khách hàng đã có ý thức bảo vệ thông tin thẻ, nhưng vẫn có thể trở thành nạn nhân của loại tội phạm này.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 41/2018 quy định về hoạt động thẻ ngân hàng. Một trong những nội dung đáng chú ý tại thông tư này là lộ trình cụ thể cho việc chuyển đổi toàn bộ thẻ ATM làm bằng thẻ từ sang thẻ chip - một loại thẻ gắn vi mạch điện tử, có độ an toàn cao hơn thẻ từ. Theo lộ trình này, đến hết năm 2019, ít nhất 30% số thẻ ATM sẽ chuyển sang thẻ chip, đến hết năm 2020 ít nhất 60% và đến hết năm 2021 thì tất cả thẻ ATM phải chuyển sang thẻ chip. Vụ trưởng Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Phạm Tiến Dũng cho biết, trong năm 2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Bộ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa để chuẩn bị cho lộ trình này.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng: “Việc đẩy nhanh chuyển thẻ ATM sang công nghệ thẻ chip để tăng bảo mật, hạn chế tình trạng người tiêu dùng bị mất tiền trong tài khoản là cần thiết. Nhưng quá trình chuyển đổi sẽ mất chi phí cao, nhất là với những ngân hàng thương mại có số lượng phát hành thẻ lớn. Phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các ngân hàng phải tự chủ động cân đối, quy định có hay không mức đổi phí, nếu có thì mức phí là bao nhiêu. Nhưng theo tôi, để bảo đảm quyền lợi của khách hàng khi chuyển đổi thẻ, các ngân hàng thương mại không nên áp loại phí này”.