Tài chính - Ngân hàng

Lãi suất ưu đãi cho cả người gửi và người vay

Tăng lãi suất tiền gửi, giảm lãi suất cho vay, nguồn vốn huy động tăng đáng kể, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát… là những tín hiệu cho thấy hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn đang hoạt động hiệu quả, góp phần tích cực vào ổn định và phát triển kinh tế.

Trong chín tháng năm 2019, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện nghiêm quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Lãi suất tiền gửi trên địa bàn kỳ hạn dưới sáu tháng tương đối ổn định, kỳ hạn từ sáu tháng trở lên có xu hướng tăng từ quý II-2019 để khuyến khích khách hàng gửi tiền với kỳ hạn dài hơn. Tính đến tháng 9-2019, nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 3.400.000 tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng 8-2019 và tăng 9,7% so với tháng 12-2018, bảo đảm cân đối đủ để thực hiện cấp tín dụng và chấp hành các quy định của pháp luật về tỷ lệ bảo đảm an toàn giữa nguồn vốn huy động và nguồn vốn cho vay.

Hiện đang là thời điểm các ngân hàng nâng lãi suất huy động để chuẩn bị nguồn vốn phục vụ nhu cầu vay tăng mạnh vào dịp cuối năm. Thông thường, lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay cũng tăng theo. Nhưng lãi suất cho vay đang được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm. Tuy chỉ áp dụng ở một số lĩnh vực nhất định, nhưng đây là động thái cho thấy sự ổn định của hệ thống ngân hàng.

Cụ thể, từ ngày 1-8-2019, các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank, Techcombank đã hạ lãi suất cho vay, điều chỉnh giảm mức trần lãi suất cho vay đối với các khoản vay ưu đãi thuộc lĩnh vực Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ; hoặc đối với các đối tượng là doanh nghiệp xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ… Mức lãi suất giảm từ 0,5 đến 1% so với mức thông thường, khoảng 5,5%/năm và nguồn vốn cho các khoản vay ưu đãi này khá lớn. Ðại diện Vietcombank cho biết, mức lãi suất cho vay 5,5% là mức thấp nhất trong mười năm gần đây. Ðể có thể áp dụng lãi suất này, ngân hàng đã chủ động kế hoạch tài chính và kế hoạch kinh doanh của năm. Ðộng thái này có thể khiến lợi nhuận của ngân hàng giảm, nhưng lại là cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.

Tiếp đó, từ ngày 16-9-2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm 0,25% với các lãi suất điều hành, gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO). Việc giảm các lãi suất này tiếp tục giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí vay tái cấp vốn, tái chiết khấu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Qua đó cũng góp phần hạ lãi suất cho vay khi chi phí vốn đầu vào giảm bớt.

Theo đánh giá, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều gói cho vay và đầu tư ưu đãi hấp dẫn, áp dụng nhiều chính sách lãi suất linh hoạt đối với khách hàng có phương án kinh doanh hiệu quả, dành vốn tín dụng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình, dự án phát triển kinh tế của địa phương, hạn chế cho vay những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tính đến hết tháng 9, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Hà Nội đạt 2.048.000 tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 9,5% so với thời điểm cuối năm 2018. Chất lượng tín dụng và tính thanh khoản của các tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng được nâng cao. Tính đến hết tháng 9, nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn chiếm 1,9% tổng dư nợ và 2,2% tổng dư nợ cho vay. Các tổ chức tín dụng luôn bảo đảm khả năng chi trả ngay, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thành toán của các khách hàng.