Công khai dự án để mời gọi đầu tư

Việc công khai danh mục, danh sách dự án kêu gọi đầu tư được xem là cách huy động tốt nhất nguồn vốn để triển khai, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

UBND thành phố Hà Nội đã thông qua Danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển giai đoạn 2016-2020 do Quỹ Đầu tư phát triển thành phố thực hiện đầu tư trực tiếp và cho vay. Theo đó, các lĩnh vực đầu tư bao gồm: Kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng, môi trường, đầu tư xây dựng hoặc cải tạo các cảng nội địa; bến, bãi đỗ xe theo quy hoạch, đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch, đầu tư phát triển hệ thống điện, hệ thống xử lý nước thải, rác thải, khí thải. Các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; các khu sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở xã hội, nhà tái định cư; đầu tư xây dựng, mở rộng bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh, trường học, trung tâm văn hóa, thể dục - thể thao, công viên.

Trước đó, Nghị quyết số 18/NQ-HĐND về kế hoạch đầu tư công trung hạn, danh mục các công trình trọng điểm và danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, ưu tiên phát triển giai đoạn 2016-2020 đã được HĐND thành phố thông qua cuối năm 2016. Nghị quyết đặt mục tiêu giai đoạn 2016-2020 là nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, thu hút cao nhất và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, góp phần hoàn thành cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của thành phố giai đoạn 2016-2020.

Triển khai chủ trương kêu gọi đầu tư, Hà Nội từng bước công khai các dự án mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Tại hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, khi công bố danh mục 95 dự án, với tổng mức đầu tư hơn 710 nghìn tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp lớn đã tìm hiểu, mong muốn được đầu tư tại Thủ đô. Đáng chú ý, ngay tại hội nghị này, lãnh đạo UBND thành phố đã trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 23 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng gần 37 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD), trong đó có bảy dự án FDI - tổng vốn đầu tư hơn 15 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 700 triệu USD) và 16 dự án vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư gần 22 nghìn tỷ đồng (tương đương một tỷ USD). Trong các lĩnh vực: viễn thông, hạ tầng đô thị, công viên, khu vui chơi giải trí, nhà ở, y tế và dịch vụ thương mại. Thời gian qua, nhiều dự án công viên lớn, hiện đại đã được khởi công như công viên, hồ điều hòa tại phường Yên Hòa (Cầu Giấy); Công viên Kim Quy (Đông Anh)…

Từ thành công ấy, tháng 6 tới, Hà Nội tiếp tục tổ chức hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển”.

Ngay tại các cuộc tiếp xúc ngoại giao, hoặc tiếp các cơ quan quốc tế, khách nước ngoài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung luôn bày tỏ mong muốn thắt chặt sự hợp tác trên mọi lĩnh vực, trong đó, luôn công khai các dự án, lĩnh vực mà Hà Nội mời gọi đầu tư, hợp tác. Ngày 10-5, tại buổi tiếp Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) J.Ru-bớt, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhất trí và cam kết sẽ chỉ đạo hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp châu Âu hoạt động đầu tư tại Thủ đô trong ba lĩnh vực trọng tâm là: Cải thiện môi trường, hạ tầng giao thông và xây dựng chính phủ điện tử hướng tới mô hình đô thị thông minh. Mới đây nhất, ngày 17-5, trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cũng khẳng định, thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng để các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế có điều kiện đầu tư đối với những dự án cụ thể của Thủ đô.