Yên bình trong tiếng súng?

Với sự chấp thuận và thông qua của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 8-10, dành cho một bản kiến nghị vừa hết thời hiệu, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục thoải mái điều động quân đội của mình tiến hành các chiến dịch quân sự xuyên biên giới I-rắc (Iraq) và Xy-ri (Syria) thêm một năm nữa. Bất kể hai quốc gia láng giềng cảm thấy như thế nào.

Bản kiến nghị đó, được thông qua lần đầu vào tháng 10-2018, nêu rõ: Thổ Nhĩ Kỳ coi trọng tầm quan trọng của việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, sự ổn định và thống nhất quốc gia và của I-rắc. Tuy nhiên, sự tồn tại của lực lượng Đảng Công nhân người Cuốc (PKK) mà An-ca-ra (Ankara) đặt ngoài vòng pháp luật và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại I-rắc đã đặt ra mối đe dọa trực tiếp cho an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.

Bởi vậy, cũng như năm ngoái, tất cả các đảng chính trị, ngoại trừ đảng Dân chủ Nhân dân ủng hộ người Cuốc (HDP) tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đều bày tỏ ý kiến ủng hộ bản kiến nghị này. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục hành động như vậy, nghĩa là hành động vượt qua các đường biên giới, cho đến tháng 10-2020.

Ngay lúc này, các đoàn xe bọc thép Thổ Nhĩ Kỳ đã tập trung sát biên giới phía bắc Xy-ri, và các hoạt động “bảo vệ an ninh” của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã sẵn sàng được tiếp nối, ở bờ đông sông Ơ-phrát (Euphrates).

Và cũng ngay trong ngày 8-10, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu không kích các lực lượng vũ trang người Cuốc (Kurd), những chiến binh vẫn luôn ôm ấp giấc mộng thành lập nước Cuốc-đi-xtan (Kurdistan) độc lập, trên lãnh thổ của cả Thổ Nhĩ Kỳ, I-rắc lẫn Xy-ri.

Có lẽ ý tưởng “lập quốc” đó của các lực lượng người Cuốc là lý do quan trọng nhất để cả Xy-ri lẫn I-rắc đều có chút “cam chịu” việc phải chứng kiến những hành động hiển nhiên là xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của mình như vậy, suốt thời gian qua. Ly khai và phân rã luôn là vấn đề cấm kỵ đối với bất cứ quốc gia nào, và trong trường hợp cụ thể này, cả Xy-ri lẫn I-rắc đều chia sẻ quan điểm cứng rắn đối với người Cuốc của An-ca-ra.

Thêm vào đó, tiềm lực quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ - trong tư cách là một thành viên hùng mạnh hàng đầu của khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng khiến những sự “khó chịu” chỉ có thể dừng lại ở mức phản đối bằng văn bản. Trong thời điểm hiện tại, Đa-mát (Damascus) hay Bát-đa (Baghdad) đều đang có quá nhiều việc phải làm, đều đang phân tán các nguồn lực quân sự của mình cho những điểm nóng khác, và đều khó có khả năng tự mình đảm nhiệm việc trấn áp các lực lượng người Cuốc, chứ chưa nói đến chuyện răn đe những đoàn xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ.

Và dù sao, trên ngã ba biên giới, mỗi lần chuẩn bị động binh, An-ca-ra cũng đã “có lời” trước, bằng những thông báo.

Vấn đề là, nếu cứ kéo dài, câu chuyện này sẽ đi đến đâu?

Rất khó để tin rằng có thể đập tan giấc mơ của người Cuốc, chỉ bằng các biện pháp vũ lực mà thiếu những cố gắng đối thoại. Giấc mơ đó vẫn âm ỉ hiện hữu cả trăm năm nay, xuyên qua các cuộc chiến tranh ở Trung Đông. Để rồi, khi IS trỗi dậy, những chiến binh người Cuốc đảm nhiệm vai trò của một trong các địch thủ đáng gờm nhất đối diện với đoàn quân cờ đen chết chóc đó. Họ đã làm thế, với niềm tin rằng nỗ lực của họ sẽ được đền đáp bằng sự chú ý của thế giới.

Trong khi đó, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, quyền kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ trên các vùng lãnh thổ của Xy-ri và I-rắc có thể sẽ dần dần trở thành “chuyện đương nhiên”. Mới đây thôi, một hành lang an toàn mà Thổ Nhĩ Kỳ vạch ra trong các cuộc thương thảo cùng phía Mỹ hoàn toàn nằm trong biên giới phía nam của Xy-ri. Đó sẽ là một vấn đề nóng bỏng mà hiện tại để lại cho tương lai, trong dòng chảy lịch sử.

Nhưng, nước Mỹ - nước Mỹ không còn quá thiết tha với những cuộc động binh tốn kém nữa - hài lòng với điều đó. Họ đã tìm thấy một cường quốc khu vực đang khao khát tự khẳng định vị thế, sẵn sàng gánh đỡ thay họ những sự phiền phức ở thực địa chiến trường này.

Và cho dù đánh giá rằng “thật không may khi Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn hành động đơn phương”, Mỹ vẫn triệt thoái binh sĩ khỏi các khu vực có khả năng bị Thổ Nhĩ Kỳ tiến công…