Và ngọn lửa sẽ lại bùng lên

Cũng không phải điều gì quá bất ngờ, nhưng việc Oa-sinh-tơn (Washington) tuyên bố ủng hộ quyền xây dựng các khu định cư Do thái của I-xra-en (Israel) tại khu vực Bờ Tây vẫn làm dấy lên những câu hỏi. Vì sao nước Mỹ nhất thiết phải có những động thái mang nhiều tính thách thức đến như thế? Và một giải pháp hòa bình khả thi cho Trung Ðông sẽ còn chìm trong mờ mịt đến tận bao giờ, sau những sự dồn ép cứng rắn này?

Vậy đấy, điều phải đến cuối cùng cũng đến. Ngày 18-11, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pôm-peo (Mike Pompeo) khẳng định: "Sau khi nghiên cứu kỹ tất cả các khía cạnh của cuộc tranh cãi pháp lý này, chính quyền Mỹ nhất trí rằng việc xây dựng các khu định cư dân sự của Israel ở Bờ Tây, về bản chất, không phải không phù hợp với luật pháp quốc tế".

Tuyên bố này, không gì khác, là sự chính thức đảo ngược chính sách của chính nước Mỹ, đối với các khu định cư Do thái mà I-xra-en xây dựng ở khu vực bị chiếm đóng đó. Ðó là sự bác bỏ quan điểm của chính Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 1978, thời điểm những khu định cư ấy bị đánh giá là "không phù hợp với luật pháp quốc tế".

Và tuyên bố này, một lần nữa, tô đậm sự ủng hộ nhiệt thành đến gần như vô điều kiện của Mỹ dành cho I-xra-en, tiếp nối một chuỗi những hành động khiêu khích đối với cộng đồng các quốc gia A-rập: Công nhận Giê-ru-xa-lem (Jerusalem) là thủ đô mới của I-xra-en, chuyển Ðại sứ quán Mỹ từ Ten A-víp (Tel Aviv) về đó, thừa nhận chủ quyền của I-xra-en tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng như cao nguyên Gô-lan (Golan) hay bán đảo Xi-nai (Sinai), phác thảo một bản kế hoạch hòa bình mới cho Trung Ðông mà trong đó chỉ chú trọng đến việc bình thường hóa mối quan hệ giữa I-xra-en với những quốc gia láng giềng, trong khi không giấu giếm ý đồ "khai tử" giải pháp "hai nhà nước" mà nhân dân Pa-le-xtin vẫn đang mòn mỏi trông đợi…

Phản ứng của Liên đoàn A-rập (AL) là khá dễ dự đoán. Ngay sau tuyên bố trên từ Oa-sinh-tơn, AL đáp trả: "Tuyên bố của Mỹ ủng hộ các khu định cư Do thái tại Giê-ru-xa-lem cũng như các vùng lãnh thổ chiếm đóng tại Bờ Tây là hết sức tiêu cực". AL cũng cảnh báo: Những thay đổi về mặt quan điểm của Mỹ có thể thúc đẩy bạo lực, và "làm suy giảm mọi triển vọng hòa bình dựa trên việc chấm dứt tình trạng chiếm đóng trong tương lai gần".

Với chính quyền Pa-le-xtin, động thái ấy của Mỹ dĩ nhiên bị xem là "đi ngược hoàn toàn với luật pháp quốc tế", "không có giá trị, không thể chấp nhận và đáng bị lên án", đồng thời khiến Mỹ "đánh mất uy tín và không thể đóng bất cứ vai trò nào trong tiến trình hòa bình Trung Ðông".

Song, phản ứng của Liên hiệp châu Âu (EU) - những đồng minh phương Tây truyền thống của nước Mỹ, mới thật sự đáng chú ý.

Từ Béc-lin (Berlin), Bộ Ngoại giao Ðức nhấn mạnh rằng Ðức và các đối tác trong EU ủng hộ một giải pháp đàm phán cho cuộc xung đột giữa I-xra-en và Pa-le-xtin, và vẫn coi sự tồn tại của các khu định cư Do thái ở Bờ Tây là vi phạm luật pháp quốc tế, làm suy yếu tiến trình hòa bình cũng như làm phức tạp các cuộc đàm phán về một giải pháp hai nhà nước.

Còn ngay ở Oa-sinh-tơn, cựu Phó Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn (Joe Biden) - một ứng viên bầu cử tổng thống (cuối năm 2020) thuộc đảng Dân chủ đăng đàn: "Quyết định này không phải là vì hòa bình hay an ninh. Nó thậm chí còn làm tổn hại tương lai của I-xra-en, nhằm phục vụ những mục đích chính trị cá nhân của đương kim Tổng thống Mỹ Ð.Trăm (Donald Trump)".

Một cách ngắn gọn, ta có thể hiểu rằng từng bước một và bằng mọi giá, chính quyền Tổng thống Ð.Trăm muốn ép Pa-le-xtin, AL cũng như toàn thế giới chấp nhận giải pháp mà họ áp đặt cho mối quan hệ Pa-le-xtin - I-xra-en như một "sự đã rồi", nhằm đổi lấy sự ủng hộ của những nhà đại tài phiệt gốc Do thái.

Tuy nhiên, khi hành xử như vậy, dường như chỉ còn Mỹ và I-xra-en "tựa lưng vào nhau", giữa bão tố công luận quốc tế. Không còn ai sẵn sàng chấp nhận sự đảo ngược quan điểm ấy, kể cả những đồng minh truyền thống (mà ở một khía cạnh nào đó, nếu chấp nhận, cũng chính là EU chấp nhận bị khuất phục).

Còn hơn thế, hiện tại, nhân dân Pa-le-xtin dường như đang được tiếp thêm sức mạnh. Bất công sẽ chỉ càng khiến tinh thần đấu tranh đòi lại quyền lợi chính đáng của họ trở nên kiên định. Lửa phản kháng rồi đây có thể sẽ lại bùng lên, dưới chân ngôi cổ thành nghìn năm máu lệ mang tên Giê-ru-xa-lem…