Từng bước một

Mới khoảng cuối tháng 5-2019, chuyện nối lại những cuộc đối thoại giữa Mỹ và I-ran (Iran) vẫn còn là một viễn cảnh vô cùng xa vời, thì đến đầu tháng 6, cả hai phía đột ngột phát đi những tín hiệu chứng tỏ rằng “không có gì là không thể”. Chỉ là, chưa bên nào sẵn sàng thật sự chìa tay ra trước, từ bên kia những rào chắn đã liên tiếp được dựng lên.

Ngày 28-5, Bộ Ngoại giao I-ran tuyên bố rằng nước cộng hòa Hồi giáo ấy "không nhìn thấy khả năng đàm phán với Mỹ". Một ngày trước đó, Tổng thống Mỹ Ð.Trăm (Donald Trump) để ngỏ khả năng ký kết một thỏa thuận về chương trình hạt nhân của I-ran, nhưng là bởi vì ông "thật sự tin rằng I-ran muốn ký một thỏa thuận", và rằng "chính quyền Tê-hê-ran (Tehran) rất sáng suốt", để "điều đó có khả năng xảy ra".

Trước đó nữa, ngày 23-5, phía I-ran khẳng định rằng nếu Oa-sinh-tơn (Washington) không thay đổi thái độ, nếu Mỹ không từ bỏ những luận điệu khiêu khích để thay thế bằng những biện pháp thiết thực, thì sẽ chẳng có cuộc thương thảo nào hết.

Và rồi, đến ngày 1-6, Tổng thống I-ran H.Ru-ha-ni (Hassan Rouhani) đẩy hé một khe cửa: "Chúng tôi rất logic và sẽ chấp nhận đàm phán, nếu bên còn lại ngồi vào bàn đàm phán với thái độ tôn trọng cũng như tuân thủ các quy tắc quốc tế, chứ không phải khi bên đó ra lệnh đàm phán".

Cả một chuỗi diễn biến xảy ra trong vòng một tuần ấy thể hiện rằng không riêng gì bên nào, cả hai phía đều đang từng bước chủ động "hạ nhiệt", nhằm tìm kiếm lối thoát cho tình trạng bế tắc hiện hữu trong mối quan hệ giữa họ, kể từ khi đương kim Tổng thống Mỹ tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận về vấn đề hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA (được ký kết năm 2015 giữa I-ran với nhóm P5+1, bao gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Ðức), bất chấp sự phản đối từ chính các đồng minh.

Vấn đề là, vào thời điểm hiện tại, cả hai bên cũng vẫn đang cố gắng đẩy "quả bóng trách nhiệm" sang phần sân của đối phương, nhằm vừa bảo vệ "thể diện", vừa thể hiện được thiện chí của mình. Ðiều này xuất phát từ trạng thái thù địch đã được đẩy đến sát giới hạn suốt thời gian qua, tích tụ từ hàng loạt động thái cụ thể.

Từ khía cạnh này, nếu ông chủ Nhà trắng đủ tự tin để nói bóng gió rằng những đòn trừng phạt kinh tế được áp đặt đã đủ sức nặng để I-ran "biết điều", thì Tê-hê-ran lại càng phải thể hiện rằng họ không hề sợ hãi, và để đòi hỏi những cách hành xử nghiêm túc hơn là những "lời nói gió bay".

I-RAN sẽ chẳng có lý do gì để từ chối trở lại bàn đàm phán về JCPOA, nếu những biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ. Và thật ra, họ cũng có đủ lý do để tuyên bố "không cần bất cứ trung gian hòa giải nào". Vị thế của họ đang được bảo đảm, bởi chính sự cứng cỏi mà họ đã và đang thể hiện.

Kể từ đầu câu chuyện đến tận lúc này, nếu đương kim tổng thống Mỹ nhất quyết muốn hủy bỏ và tái đàm phán JCPOA vì nguyên nhân quyết định là bởi ông đánh giá thỏa thuận ấy "là một thỏa thuận tồi" đối với lợi ích của nước Mỹ, thì ngược lại, khi ký vào bản thỏa thuận đó cũng như khi lên tiếng bảo vệ thỏa thuận, I-ran vẫn đang đóng góp một cách thiết thực hơn cho hòa bình và ổn định chung trên toàn cầu.

Không chỉ vậy, những biện pháp trừng phạt mà họ phải hứng chịu cũng đang đồng thời làm tổn hại đến không ít nền kinh tế lớn khác ngoài Mỹ, và Liên hiệp châu Âu (EU) thậm chí đã kích hoạt những biện pháp "lách luật" cần thiết, nhằm có thể tiếp tục "làm ăn" với một trong những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Ðã đến lúc nước Mỹ không thể tiếp tục gia tăng sức ép, nếu không muốn có điều gì vượt khỏi tầm kiểm soát. Tuy nhiên, lại chưa đến lúc tiến trình bình thường hóa quan hệ có thể được đẩy mạnh.

Từ trên cao, luôn cần phải bước xuống rất cẩn thận. Từng bậc thang…