Trước mặt là hỗn loạn

391 phiếu chống. 242 phiếu thuận. Ngày 12-3, một lần nữa, Hạ viện Anh lại tô đậm thêm những viễn cảnh mờ mịt cho tương lai của tiến trình đưa nước Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu (EU), khi tiếp tục phủ quyết các điều khoản thương lượng hiện tại của tiến trình ấy (Brexit).

Trước mặt là hỗn loạn

Có một chút ánh sáng le lói cuối đường hầm, khả dĩ có thể khiến bức tranh toàn cảnh bớt u ám hơn. Sự chênh lệch giữa số phiếu chống và số phiếu thuận, so với lần bỏ phiếu trước của Hạ viện Anh, đã giảm từ 230 xuống còn 149 phiếu. Nghĩa là, như phân tích của một số nhà quan sát quốc tế, có những nghị sĩ của đảng Bảo thủ - những người đã thể hiện sự phản đối của mình đối với Brexit hai tháng trước - đã quay sang ủng hộ đương kim Thủ tướng Anh T.Mây (Theresa May).

Điểm cốt yếu trong sự thay đổi này là gì? Là nỗi lo sợ của chính họ, về việc có thể Brexit sẽ bị trì hoãn hoặc thậm chí là bãi bỏ, nếu không nhận được đủ sự ủng hộ cần thiết. Họ đã bắt đầu nhớ lại một nguyên tắc trên lý thuyết: Thỏa hiệp là mấu chốt thành công của mọi cuộc đàm phán.

Song, hiện tại, dường như đã là quá muộn màng cho những thỏa hiệp vớt vát ấy. Ngày nước Anh chính thức rời EU như dự tính - 29-3 - đã ở quá gần.

EU, cụ thể là Trưởng đoàn đàm phán M.Bác-ni-ê (Michel Barnier), khẳng định rằng họ đã “làm tất cả những gì có thể để đạt được thỏa thuận”, và “khó còn có thể làm gì hơn nữa”. EU sẽ không tiến hành thêm các cuộc đàm phán về các thỏa thuận “ly hôn”. Thay vào đó, “điều quan trọng nhất bây giờ là chuẩn bị cho một Brexit không đạt được thỏa thuận”.

Dĩ nhiên, EU cũng dự liệu rằng Thủ tướng Anh T.Mây sẽ đề đạt yêu cầu gia hạn cho Brexit, nhằm có thêm thời gian để hạn chế những sự xáo trộn về kinh tế - xã hội. Nếu có yêu cầu này, được đặt ra một cách hợp lý, 27 nước thành viên EU sẽ xem xét và thông qua bằng phương thức nhất trí.

Và ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, bà Mây tuyên bố đã giành được sự bảo đảm từ EU, “về các vấn đề mang tính ràng buộc pháp lý” đối với dự thảo thỏa thuận Brexit. Có thể xem đó là một hành động thể hiện thiện chí đáng giá từ phía châu Âu lục địa, để “cùng nhau đưa nước Anh rời khỏi EU một cách có trật tự”, như lời kêu gọi của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EU) G.C.Giăng-cơ (Jean Claude Juncker).

Có điều, cuối cùng, mọi bế tắc vẫn phải được giải quyết tại nước Anh. Đến cả những bảo đảm ràng buộc pháp lý mà bà Mây nhắc đến để tìm kiếm thêm sự ủng hộ từ Hạ viện cho Brexit ấy cũng chẳng mang lại bao nhiêu hiệu quả. Gần như ngay lập tức, Bộ Tư pháp Anh chỉ ra rằng những rủi ro pháp lý cốt lõi chung quanh các điều khoản “rào chắn” vẫn không thay đổi, khi nước Anh không được trao công cụ hợp pháp để đơn phương vượt qua những điều khoản này.

Tuy nhiên, đối với EU, những công cụ như thế lại là điều không thể chấp nhận. Không ai đưa tất cả lợi thế cho người khác. Cũng không ai có thể có được tất cả những gì mình muốn. Và mọi sự kiên nhẫn đều có giới hạn, khi bất cứ ai cũng cần sự rõ ràng để hoạch định tương lai cho chính mình.

Vậy nên, như Trưởng đoàn M.Bác-ni-ê khẳng định: “Hoặc thỏa thuận này, hoặc không có gì hết. Không có lựa chọn thứ ba!”, hay như Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của nước Pháp N.Loa-dô (Nathalie Loiseau) nhận xét: “Thỏa thuận đưa nước Anh rời EU được Thủ tướng T.Mây trình bày trước Hạ viện Anh đã là giải pháp tốt nhất, với mọi chi tiết cần thiết. Nước Anh chỉ có thể lựa chọn: Một sự chia tay vui vẻ, hay một cuộc chia ly đầy đau thương!”.

Với kết quả của cuộc bỏ phiếu, Brexit vẫn sẽ diễn ra. Nhưng, không ai dám chắc, nó sẽ diễn ra với một diện mạo như thế nào…