Trong những hồi ức u tối

Liên tục súng nổ. Liên tiếp những mạng người bị cướp đi. Chính là vào lúc người ta nói nhiều nhất đến một chương trình hòa đàm, Áp-ga-ni-xtan (Afghanistan) lại thấy mình đối diện với những ký ức kinh hoàng cũ.

Tối 27-5, một trạm kiểm soát an ninh ở tỉnh Xa-man-gan (Samangan), miền bắc Áp-ga-ni-xtan bị tiến công. Giao tranh nổ ra trong nhiều giờ, và kết thúc với sáu nhân viên an ninh của chính phủ bị sát hại. Phía công kích là một cái tên quen thuộc: Ta-li-ban (Taliban) - lực lượng Hồi giáo cực đoan đã bị đánh bật khỏi vũ đài quyền lực tại đất nước này, từ năm 2001. Theo thông tin từ giới chức địa phương, Ta-li-ban đã phải rút lui sau cuộc tiến công ngày 27-5 ấy "với tổn thất lớn".

Cùng ngày, tại tỉnh Ba-đơ-ghít (Badghis), Ta-li-ban phục kích một đoàn xe của các lực lượng thân chính phủ, khiến M.Ya-xi-ni (Mohamad Yasini) - một trong những thủ lĩnh quan trọng của nhóm này - thiệt mạng, cùng ba dân quân khác.

Ở miền tây Áp-ga-ni-xtan, cũng trong ngày đầy biến động đó, quân đội và cảnh sát Áp-ga-ni-xtan tuyên bố họ đã tiêu diệt bốn phiến quân, đồng thời phá hủy hai cơ sở sản xuất ma túy tại tỉnh Pha-ra (Farah). Còn ở Thủ đô Ca-bun (Kabul), một quả bom được gài vào xe chở các nhân viên chính phủ và phát nổ, khiến ít nhất 10 người bị thương.

Đó là những gì diễn ra trước thềm một hội nghị không chính thức, diễn ra tại thủ đô Mát-xcơ-va (Moscow) của nước Nga, bao gồm cả sự tham dự của thủ lĩnh các phe đối lập, lẫn đại diện của chính Ta-li-ban.

Một kế hoạch lớn, về việc xây dựng kế hoạch hòa bình mới với tinh thần hòa giải dân tộc cho Áp-ga-ni-xtan, đã và đang được thúc đẩy mạnh mẽ, với sự đồng thuận của các cường quốc hàng đầu thế giới. Trong tiến trình đó, Ta-li-ban - được nhìn nhận với vị thế là một thành phần chính trị tham gia hòa đàm - có tiếng nói quyết định.

Thượng tuần tháng 5-2019, tại Ðô-ha (Doha) - Thủ đô Ca-ta (Qatar), các đại diện đàm phán của Mỹ và Ta-li-ban tuyên bố đã "đạt được những tiến bộ nhất định" liên quan đến dự thảo triệt thoái các lực lượng nước ngoài khỏi Áp-ga-ni-xtan - một điểm cốt lõi trong kế hoạch hòa bình. Song, công cuộc tìm kiếm tiếng nói chung giữa Ta-li-ban và chính phủ Ca-bun thì lại không có nhiều tín hiệu tích cực.

Thay cho việc xóa bỏ những lằn ranh và xích lại gần nhau, bạo lực vẫn liên tục xảy ra. Theo số liệu thống kê chính thức của Liên hợp quốc, kể từ tháng 1-2019 đến nay, đã có hơn 26.500 dân thường thiệt mạng, cùng gần 49.000 người bị thương.

Tính chất không khoan nhượng của các cuộc cạnh tranh quyền lực tại mảnh đất còn chưa kịp hồi sinh từ đổ nát này càng lúc càng khiến viễn cảnh hòa bình của Áp-ga-ni-xtan trở nên mờ mịt. Gần 20 năm qua, Ta-li-ban, dù thất thế, vẫn chưa từng từ bỏ tham vọng trở lại, và vẫn luôn tạo nên bất ổn. Bối cảnh này cần phải được thay đổi, bằng cách này hay cách khác.

Tuy nhiên, hiện tại, có rất nhiều người dân Áp-ga-ni-xtan - những người đã quen với cuộc sống "hậu Ta-li-ban" - tỏ ra sợ hãi với khả năng Ta-li-ban có thể quay về nắm quyền ở một vài khu vực, như một thành phần của chính phủ liên hợp tương lai. Họ còn chưa quên những dĩ vãng ngột ngạt, khi bị đặt dưới luật lệ Hồi giáo cực đoan hà khắc mà Ta-li-ban tôn thờ.

Tâm trạng đó có thể tạo nên nhiều mâu thuẫn tích tụ. Nhưng ngay từ lúc này, sau những cái chết oan uổng, thù hận cũng đã lại kịp chất chồng.

Mà lực lượng cực đoan, cũng như khủng bố quốc tế - vốn rất giỏi tận dụng thù hận tại các khoảng trống quyền lực, như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - cũng đang biến đổi mạnh mẽ phương thức hoạt động, sau khi gần như bị quét sạch khỏi Xy-ri (Syria) hay I-rắc (Iraq).

Các cường quốc, như Mỹ, có thể nhìn thấy ở hiện trạng và các viễn cảnh đó những cơ hội nâng cao tầm ảnh hưởng, củng cố vị thế hay bảo vệ lợi ích của mình. Nhưng còn chính người dân Áp-ga-ni-xtan? Họ sẽ phải đối diện như thế nào với các hệ lụy của một tiến trình hòa đàm mang nhiều mầu sắc "ngã giá quyền lực" hơn là "hòa giải dân tộc"?!