Trông chờ những thay đổi

Cho đến lúc này, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vẫn chưa chính thức ngã ngũ, với những diễn biến pháp lý phức tạp hậu bầu cử đã và đang được kích hoạt. Tuy nhiên, khi đã có không ít những nhà lãnh đạo quốc tế gửi lời chúc mừng đến ứng cử viên đảng Dân chủ G.Bai-đơn (Joe Biden), thế giới dường như cũng đã sẵn sàng chờ đón những thay đổi trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ.
 

Đến ngày 10-11, bất kể việc Bộ trưởng Tư pháp Mỹ U.Ba (William Barr) ủy quyền cho các công tố viên liên bang tiến hành điều tra về những biểu hiện bất thường trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa khép lại, và cho dù Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ tuyên bố sẽ “không bỏ qua bất cứ cáo buộc đáng tin cậy nào về những sai phạm có thể xảy ra”, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Gu-tơ-rét (Antonio Guterres) cũng đã gửi lời chúc mừng đến ông G.Bai-đơn.
 
 Trước đó, có Thủ tướng Ca-na-đa (Canada) G.Tru-đô (Justin Trudeau), Tổng thống Pháp E.Ma-crông (Emmanuel Macron), Thủ tướng Ấn Độ N.Mô-đi (Narendra Modi), lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng nhiều nguyên thủ quốc gia khác, thậm chí là cả những thành viên cao cấp và cốt cán của đảng Cộng hòa - như cựu Tổng thống G.Bu-sơ (George W.Bush) - xem ông G.Bai-đơn là tân Tổng thống Mỹ.
 
 Điều đó, dường như không hẳn chỉ là những lời chúc mừng.
 
 Không thể phủ nhận, có rất nhiều quốc gia đang chờ đợi thay đổi hay hơn thế là những xung lực mới, trong các mối quan hệ song phương hay đa phương với nước Mỹ. Bốn năm qua, cách xử lý mọi vấn đề ngoại giao theo phương châm “Nước Mỹ trên hết” và “không một bước lùi” của đương kim Tổng thống Đô-nan Trăm (Donald Trump) khiến cả địch thủ lẫn không ít đồng minh cảm thấy khó khăn trong lựa chọn cách tiếp cận với nước Mỹ.
 
 Nếu không kể đến lịch trình “Hòa bình Trung Đông” đã “vào guồng”, với sự đồng thuận của cả I-xra-en (Israel) lẫn rất nhiều quốc gia trong khối A-rập, còn rất nhiều vấn đề chờ đợi những động thái mềm dẻo hơn từ Oa-sinh-tơn (Washington). Có thể kể tới tín hiệu hy vọng về “những thay đổi mang tính xây dựng từ phía Mỹ” mà I-ran (Iran) phát đi, hay Pa-le-xtin (Palestine) mong chờ cơ hội “thiết lập lại quan hệ với Oa-sinh-tơn”.
 
 NATO nhấn mạnh “vai trò dẫn dắt của Mỹ trong một thế giới đầy biến động”, và mong muốn hợp tác chặt chẽ với chính phủ mới để củng cố lại những sự liên kết Bắc Mỹ - châu Âu (điều trở nên khá lạnh nhạt bốn năm qua). Pháp - một trong hai ngọn cờ đầu của Liên hiệp châu Âu (EU) - chờ đợi các cơ hội hợp tác để giải quyết những thách thức đương đại.
 
 Hơn hết, những nhà hoạt động môi trường tràn trề hy vọng rằng một sự thay đổi trên thượng tầng chính trị sẽ đưa nước Mỹ trở lại với Thỏa thuận Pa-ri (Paris) về chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Và không chỉ vậy, với các nhà quan sát, một đường lối đối ngoại mới ôn hòa hơn của nước Mỹ sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân đang chuẩn bị đàm phán để gia hạn.
 
 Vậy thì, nếu thế cờ chính trường Mỹ bị lật ngược, liệu những lời chúc mừng này có thành “việt vị”!?
 
 Có lẽ không hẳn. Những ẩn ức, mâu thuẫn và xung đột quan điểm giữa cộng đồng quốc tế với nước Mỹ dù sao cũng đã được nhấn mạnh lại một lần nữa, một cách kín đáo, ngay trong những lời chúc mừng này. Mong muốn về những sự thay đổi về đối ngoại của nước Mỹ từ không ít quốc gia cũng như cộng đồng trên thế giới là có thật. Chủ nhân của Nhà trắng trong vòng bốn năm tới là ai, hẳn đều đã có thể nghe rõ những tiếng vọng đó.