Trở lại điểm xuất phát

Một thỏa thuận đã được đưa ra, nhưng thỏa thuận ấy đang đứng trước nguy cơ không thể thực hiện. Không một bước lùi, tiến trình đưa nước Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu (EU), gọi tắt là Brexit, đang bị đẩy ngược trở lại vào cái quỹ đạo luẩn quẩn cũ tưởng chừng đã có thể thoát ra.

“Không có khả năng tái đàm phán thêm lần nào! Thỏa thuận mà chúng ta đã có được giữa EU với nước Anh là thỏa thuận tốt nhất! Là thỏa thuận khả thi duy nhất!” – ngày 11-12, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EU) G.C.Giăng-cơ (Jean Claude Juncker) khẳng định.

Bất cứ ai ở vào cương vị của ông cũng sẽ nói như vậy. Chẳng có lý do gì để EU nhượng bộ, bởi những phản ứng gay gắt vừa qua từ nước Anh là chuyện riêng của Chính phủ Anh. Những điều khoản sơ bộ đã được cam kết, và châu Âu lục địa chẳng có lỗi gì hết. Quả bóng trách nhiệm đang hoàn toàn nằm trên phần sân của đương kim Thủ tướng Anh – bà T.Mây (Theresa May).

Câu chuyện cũng đã kéo dài quá rồi. Thời hạn cho cuộc chia tay (tháng 3-2019) cũng cận kề rồi. EU cũng đã chờ đợi quá lâu rồi, để sắp xếp chuẩn bị những vấn đề cụ thể cho tương lai của mình, không còn nước Anh là một thành viên chủ chốt nữa.

Song, thực ra, không ai muốn phải đối diện với kịch bản Brexit mà theo đó, nước Anh ra đi không đạt được thỏa thuận nào. EU và nước Anh vẫn phải là những đối tác quan trọng hàng đầu của nhau. Họ vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết rốt ráo, để tiếp tục tồn tại cạnh nhau, chỉ cách một eo biển Măng-sơ (Manche), như những người bạn cũ, chứ không phải những kẻ xa lạ.

Họ vẫn còn là đồng minh quân sự trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Họ cũng vẫn chia sẻ với nhau những giá trị chung của châu Âu nói riêng và phương Tây nói chung. Anh và Pháp đều vẫn là các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong khi Đức đang mỗi lúc một nâng cao vị thế ở cơ quan quyền lực đó.

Thế nên, với chuyện Quốc hội Anh không thông qua thỏa thuận sơ bộ giữa Chính phủ Anh với EU, mọi chuyện dường như bị đẩy lùi về vạch xuất phát.

Mà trên những đường phố Luân Đôn, nếu những người ủng hộ Brexit cực đoan thậm chí còn giương cao khẩu hiệu: “Cứ bỏ đi thôi, không trả đồng nào cho EU hết!” (Just walk away, pay EU nothing!) thì những người Anh phản đối Brexit cũng hét vang đáp lại: “Rời bỏ, nghĩa là lừa gạt!” (Leave means Lies!).

Sự chia rẽ trong nội tại quốc gia ấy, không còn nghi ngờ gì nữa, chính là “chướng ngại vật” lớn nhất chắn trước mọi kế hoạch của đương kim Thủ tướng T.Mây. Những đám đông không thể thống nhất, không thể đạt được đồng thuận, không thể cùng nhìn về một hướng ấy quá dễ dàng bị lợi dụng để trở thành công cụ trong tay những đối thủ chính trị của bà.

Thủ tướng Anh đã cố gắng quyết đoán, đã nỗ lực tạo nên đột phá cho một tiến trình bế tắc. Song, bà không đủ uy lực cũng như sức thuyết phục để kéo cả hệ thống chính trị theo mình. Họ luôn đòi hỏi bà phải đàm phán khéo léo hơn nữa, để nước Anh chỉ phải chấp nhận những tổn thất nhỏ hơn nữa, so với khoản đền bù và những thỏa hiệp hiện tại.

Nhưng, EU đâu dễ lùi bước như vậy. Đẩy mọi chuyện đến tận cùng căng thẳng, để Brexit diễn ra mà không có được thỏa thuận nào, chắc chắn nước Anh sẽ thiệt hại nặng nề hơn nhiều, khi những hàng rào “ngăn sông cấm chợ” sập xuống.

Vì lẽ đó, EU sẽ không thỏa hiệp, hoặc chỉ thỏa hiệp vào phút cuối. Nước Anh, trở về điểm khởi đầu của một câu chuyện rối rắm, sẽ phải tự giải quyết xong các mâu thuẫn nội tại của chính mình.