Trò chơi khốc liệt

Trong lịch sử, chưa từng có Tổng thống Mỹ nào bị bãi nhiệm thông qua quá trình luận tội, theo Hiến pháp. Tuy nhiên, không vì vậy mà việc Hạ viện chuẩn bị kỹ lưỡng cho tiến trình luận tội đương kim Tổng thống Mỹ Đ.Trăm (Donald Trump) chỉ là chuyện “tầm phào”.

Ngày 18-12, các nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ ở Hạ viện đã làm tất cả những gì có thể, để ông chủ hiện tại của Nhà trắng trở thành tổng thống thứ ba trong lịch sử nước Mỹ bị luận tội.

Một ngày trước đó, tối 17-12, Ủy ban Quy định Hạ viện Mỹ đã thông qua các quy định cho “cuộc bỏ phiếu lịch sử” này, với 23 nghị sĩ đảng Dân chủ ủng hộ các cáo buộc, trong khi 17 nghị sĩ đảng Cộng hòa (mà Tổng thống Đ.Trăm là ứng viên cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào năm tới) phản đối.

Trước đó nữa, ngày 13-12, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ thông qua hai bản luận tội dành cho đương kim tổng thống, với các cáo buộc “lạm dụng quyền lực” và “cản trở Quốc hội”. Cuộc điều tra dẫn tới hai bản luận tội này bắt đầu từ cuộc gọi điện gây tranh cãi giữa Tổng thống Đ.Trăm và người đồng cấp U-crai-na (Ukraine). Cuộc trao đổi ấy bị cho là cách đương kim Tổng thống Mỹ gây sức ép với nhà lãnh đạo quốc gia Đông Âu để chống lại cựu Phó Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn (John Biden) - đối thủ chính trị tiềm tàng trong cuộc chạy đua vào Nhà trắng cuối năm tới.

Các “đòn đánh” ấy đã được tung ra cấp tập, với sự chuẩn bị kỹ càng. Nhưng dĩ nhiên, ông chủ Nhà trắng phản ứng rất quyết liệt, và ông cũng có đủ lý do để không cần phải quá lo lắng.

Ngay từ khi ý đồ công kích lần này của các đối thủ manh nha hé lộ, giới quan sát quốc tế đã dễ dàng nhận thấy: Cứ cho là Hạ viện (nơi đảng Dân chủ kiểm soát) thành công trong việc thúc đẩy tiến trình bỏ phiếu luận tội, thì điều đó cũng vẫn sẽ phải dẫn đến một “phiên tòa” khác diễn ra ở Thượng viện - nơi đảng Cộng hòa kiểm soát. Tại đó, sẽ có quá ít cơ hội cho đảng Dân chủ để hoàn tất cuộc “đảo chính đảng phái bất hợp pháp” - từ ngữ của Tổng thống Mỹ Đ.Trăm - mà họ hoạch định.

Vậy nên, người đứng đầu Nhà trắng không (hoặc chưa) cần phải thay đổi bất cứ điều gì. Ông, vẫn thể hiện những động thái theo cách quen thuộc của mình, củng cố lòng tin cho những cử tri ủng hộ mình. Ông gọi cuộc điều tra luận tội mình là “một cuộc săn lùng phù thủy (thời Trung Cổ ở châu Âu)”, đồng thời kết tội ngược các đối thủ là những kẻ “tuyên chiến với nền dân chủ Mỹ”.

Mâu thuẫn, bất đồng và chia rẽ luôn là những yếu tố hiện hữu trong nền chính trị Mỹ. Có điều, cũng hiếm khi những xung đột về tư tưởng trên thượng tầng quyền lực cường quốc số 1 thế giới được bộc lộ gay gắt đến mức độ này.

Phe Dân chủ tuyên bố họ đã “thu thập được rất nhiều bằng chứng cho thấy đương kim tổng thống đã phạm đủ các tội nặng nhẹ, đủ tiêu chuẩn để bị luận tội theo Hiến pháp Mỹ”. Trong khi đó, phe Cộng hòa “phản pháo” rằng đó sẽ chỉ là những “phiên tòa giả hiệu”, mà trong đó các nguyên tắc pháp lý “bị coi thường, bị bỏ qua hoặc bị áp dụng sai lạc”.

Sự chia rẽ này hoàn toàn có thể dẫn đến một hệ quả mang tính tất yếu: Những quyết sách quan trọng hàng đầu của nước Mỹ nhiều khả năng bị đình trệ, trong năm 2020. Đây là điều không ít lần đã từng xảy ra trong quá khứ, tại những năm có bầu cử tổng thống. Lần này, có lẽ cũng sẽ không phải là ngoại lệ. Mà, như giới chuyên môn thường nói nửa đùa nửa thật: “Các vấn đề quan trọng nhất của thế giới được quyết định tại chính trường nước Mỹ”, còn quá nhiều điểm nóng toàn cầu đang chờ đợi những quyết định mang tính then chốt của siêu cường ấy. Họ sẽ tiếp tục hiện diện với chiếc mỏ diều hâu? Hay trở lại với đôi cánh bồ câu trắng và nhành ô-liu hòa bình? Hay… không làm gì cả?

Ngay cả trong nội tại nước Mỹ, sự chia rẽ ở thượng tầng cũng đã, đang và sẽ còn tác động nhiều đến các tầng lớp xã hội. Nếu như ngày 16-12, theo một kết quả khảo sát, tỷ lệ ủng hộ đương kim Tổng thống đạt mức cao nhất kể từ khi lên nắm quyền (chiếm 43% số người được hỏi), thì chỉ một ngày sau, hàng nghìn người khác lại đổ xuống đường phố Niu Oóc (New York), kêu gọi luận tội và bãi nhiệm ông.

“Trò chơi quyền lực” này, với sự khốc liệt cố hữu của nó, sẽ còn là tâm điểm chú ý của thế giới trong cả năm 2020.