Tìm đường trong nghịch cảnh

Rất nhiều số liệu báo động, trong một quãng thời gian vô cùng khó khăn của thế giới. Tuy nhiên, không vì vậy mà dòng chảy các sự kiện quốc tế thiếu vắng những điểm sáng lạc quan.

1 Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố báo cáo mới nhất cho biết kinh tế toàn cầu có thể phải trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái diễn ra vào những năm 30 của thế kỷ trước và thậm chí còn tồi tệ hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây hơn một thập niên. IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm 2020, khi nhiều nước trên thế giới phải vật lộn để chống đại dịch Covid-19.

Theo báo cáo trên, IMF dự báo Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ suy giảm tới 7,5% trong năm nay và châu Âu là khu vực được dự đoán có hoạt động kinh tế giảm sút lớn nhất so với các khu vực khác trên thế giới. Tuy nhiên, trong một đánh giá lạc quan hơn, IMF cho rằng sự hủy diệt kinh tế do đại dịch gây ra tại Eurozone sẽ giảm dần trong nửa cuối năm 2020, khi các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh dần được gỡ bỏ. Các nước thành viên Eurozone khi đó sẽ phục hồi, nhưng ở tốc độ chậm hơn. IMF dự báo kinh tế Eurozone sẽ đạt tăng trưởng 4,7% và tăng trưởng GDP toàn cầu đạt 5,8% vào năm 2021.

2 Thái-lan đang phải nỗ lực hết sức để ứng phó với tình trạng hạn hán trầm trọng, giữa lúc nền kinh tế lớn thứ hai Đông- Nam Á đang trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Văn phòng Tài nguyên nước quốc gia (ONWR) của Thái-lan cho biết, có tới 6.255 xã tại 24 tỉnh được đưa vào danh sách các khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán, trong đó một số vùng đang phải đối mặt tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Hiện nay, các đập và hồ chứa còn 49% lượng nước dự trữ, nhưng chỉ có thể sử dụng được 26% trong số này.

Tìm đường trong nghịch cảnh ảnh 1

Hạn hán ở Thái-lan.


Phó Thủ tướng Pra-vít Vông-xu-vôn (Prawit Wongsuwon) nhấn mạnh, ONWR và các cơ quan liên quan cần phải đẩy nhanh việc phối hợp để bảo đảm mọi hộ gia đình có đủ nước sạch. Trước dự báo hạn hán ở Thái-lan có thể kéo dài cho tới tháng 7, Phó Thủ tướng Pra-vít Vông-xu-vôn đã ra lệnh khoan giếng phun để tăng nguồn cung cho các cộng đồng bị ảnh hưởng do hạn hán, đồng thời bảo đảm duy trì hoạt động của các doanh nghiệp và dự án Hành lang Kinh tế phía đông.

3 Bộ trưởng Tài chính Pháp Bru-nô Lơ Me (Bruno Le Maire) thông báo: Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Câu lạc bộ Pa-ri (Paris) gồm các chủ nợ quốc tế đã nhất trí giãn nợ một phần cho những quốc gia nghèo nhất thế giới trong năm nay. Trong bối cảnh nhiều quốc gia cần phải tăng chi tiêu cho dịch vụ y tế nhằm đối phó đại dịch cũng như tình trạng kinh tế xuống dốc, ngày càng có nhiều lời kêu gọi về việc xóa nợ, trong đó có cả Giáo hoàng Phran-xít (Francis).

Pháp khẳng định đã nhận được sự đồng ý giãn nợ từ các chủ nợ song phương và các chủ nợ tư nhân với tổng số tiền lên tới 20 tỷ USD cho 76 quốc gia, trong đó có 40 nước tại vùng sa mạc miền nam châu Phi. Trong khi đó, các Bộ trưởng Tài chính của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tuyên bố sẽ ủng hộ việc tạm thời ngưng thanh toán nợ cho những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, song chỉ khi các chính phủ của G20 cũng chấp thuận. Hơn 10 năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính 2008, tổng số nợ toàn cầu tính đến cuối năm 2019 đã đạt mốc kỷ lục 251.000 tỷ USD, tương đương mỗi công dân trên toàn cầu nợ 32.500 USD/người.

4 Theo số liệu Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 14-4, dân số nước này trong năm 2019 đã giảm ở mức nhanh nhất từ trước đến nay, qua đó phản ánh xu hướng dân số già hóa nhanh chóng và tỷ lệ sinh thấp. Năm 2019, dân số Nhật Bản đã giảm 276.000 người xuống còn 126,17 triệu người. Đây là năm thứ chín liên tiếp dân số Nhật Bản giảm và cũng là mức giảm lớn nhất kể từ khi số liệu được thu thập vào năm 1950.

Tìm đường trong nghịch cảnh ảnh 2
Dân số già hóa nhanh chóng ở Nhật Bản.


Số người trong độ tuổi từ 15 đến 64 là 75,07 triệu người, chiếm 59,5% dân số, đây cũng là tỷ lệ thấp kỷ lục về dân số trong độ tuổi lao động. Ước tính có khoảng 35,89 triệu người trong độ tuổi từ 65 trở lên, chiếm 28,4% trong tổng dân số của Nhật Bản, vượt qua mức kỷ lục của năm 2018. Số người mang quốc tịch Nhật Bản đã giảm còn 123,73 triệu người, trong khi số người nước ngoài sinh sống tại Nhật Bản đã tăng ở mức kỷ lục là 2,44 triệu người, sau khi nước này áp dụng hệ thống thị thực mới để bù đắp việc thiếu hụt lao động.