Tiếng gọi của lương tri

Có thể phù hợp để áp dụng nhằm mục đích bảo vệ lợi ích cốt lõi của riêng nước Mỹ ở bất kỳ lúc nào khác, nhưng trong thời điểm hiện tại, những lệnh cấm vận và các hình thức trừng phạt mà Oa-sinh-tơn (Washington) duy trì đang làm dấy lên những làn sóng phản đối mạnh mẽ. Khi đại dịch Covid-19 dồn nhân loại tới sát một lằn ranh sinh tử, nó cũng đồng thời đặt ra câu hỏi thống thiết về những giá trị nhân đạo căn bản nhất cho loài người.

Đầu tháng 3-2020, Bộ trưởng Ngoại giao I-ran (Iran) M.Gia-ríp (Mohammad Javad Zarif) từng sử dụng một thuật ngữ mới lạ trên trang mạng xã hội Twitter cá nhân của mình. Ông lên án nước Mỹ thực hiện “chủ nghĩa khủng bố y tế” (medical terrorism), khi “siết chặt các lệnh trừng phạt bất hợp pháp một cách ác ý, nhằm làm cạn kiệt các nguồn lực mà I-ran cần cho cuộc chiến chống lại căn bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi-rút SARS-CoV-2 (Covid-19)”, trong khi người dân I-ran “chết dần chết mòn vì căn bệnh đó”.

Khi ấy, Tổ chức Y tế thế giới còn chưa xác nhận Covid-19 là “đại dịch” (pandemic), số người chết bởi Covid-19 ở I-ran cũng như trên toàn thế giới còn chưa khủng khiếp như hiện tại, và mọi nền kinh tế cùng mọi hoạt động giao thương quốc tế cũng còn chưa “tê liệt” như bây giờ.

Đến trung tuần tháng 3, Mỹ tiếp tục áp đặt thêm một số hình thức trừng phạt đối với các cá nhân và tổ chức liên quan việc buôn bán dầu mỏ với I-ran, như một thứ công cụ chính trị - ngoại giao hiệu quả nhằm đạt được mục đích cuối cùng: bắt nước cộng hòa Hồi giáo này phải cúi đầu.

Song, cuối cùng, ngày 31-3, bà H.En-vơ (Hilal Elver) - chuyên gia phụ trách các vấn đề về nhân quyền của Liên hợp quốc (LHQ) - chính thức kêu gọi: Cần phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế đang áp dụng với nhiều nước, trong đó bao gồm cả Cu-ba (Cuba), I-ran, CHDCND Triều Tiên, Xy-ri (Syria), Vê-nê-xu-ê-la (Venezuela), Dim-ba-bu-ê (Zimbabue)… Bà khẳng định: “Những biện pháp trừng phạt kinh tế đó đang làm suy giảm nghiêm trọng quyền cơ bản được cung cấp thực phẩm đầy đủ của người dân các nước này”. Và bà nhấn mạnh: “Đây là vấn đề nhân đạo khẩn cấp!”.

Trước đó một tuần, Cao ủy LHQ về các vấn đề nhân quyền - bà M.Ba-sơ-lê (Michelle Bachelet) - cũng đã đề xuất nới lỏng các hình thức trừng phạt trên. Còn sau khi bà H.En-vơ “đăng đàn”, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pom-pê-ô (Mike Pompeo) cũng đã phải xuất hiện, để xoa dịu dư luận bằng cách hé lộ rằng Oa-sinh-tơn “liên tục đánh giá lại các chính sách của mình, và đương nhiên có thể cân nhắc vấn đề trừng phạt, nhằm giúp người dân ở một số quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19”.

Nhưng nước Mỹ đã cân nhắc như thế nào thì ông không (hoặc có lẽ là “chưa thể”) nói rõ.

Bởi vì, cho dù quả thật dư luận thế giới đang xem việc tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế lên những miền đất khốn khó bị Covid-19 tàn phá nặng nề là “vô nhân đạo” (như đánh giá từ phía nước Nga ngày 21-3), thì những sức ép nội tại từ chính thượng tầng chính trị nước Mỹ cũng vẫn khiến mọi quyết định thay đổi tính chất tàn nhẫn đó trở nên khó khăn.

Không nên quên rằng, nước Mỹ vẫn đang sôi sục với đường đua đến Nhà trắng đang nóng lên từng ngày. Phải đến khi chính nước Mỹ cũng tiêu điều bởi dịch bệnh, đương kim Tổng thống của họ mới xác nhận sự nghiêm trọng của tình hình, thay vì bình thản như một tháng trước. Qua những biện pháp đối nội quyết liệt và cấp thiết, ông Đ.Trăm (Donald Trump) vọt lên giành tới 49% tỷ lệ ủng hộ (theo một cuộc khảo sát của cơ quan uy tín - Viện Gallup). Song, đối ngoại thì lại là một câu chuyện khác. Bất cứ động thái “hạ nhiệt” nào cũng có thể tác động đến hình ảnh cũng như các cam kết cứng rắn từng đưa đương kim Tổng thống Mỹ tới vị trí hiện tại.

Tuy nhiên, khi bệnh dịch như một cơn sóng thần quét ngang qua thế giới, mọi toan tính chính trị đều trở nên nhỏ nhoi. Điều cao cả và giàu tính lay động nhất đối với thế giới lúc này không phải là thể hiện quyền lực, mà là chìa tay ra, bằng tất cả tình người…