Tiếng gọi của lương tri

Năm 2019 vẫn sẽ là một năm đầy khó khăn và thách thức, đối với cuộc sống của từng người dân trên đất nước Xy-ri (Syria) nói riêng và cả cộng đồng quốc tế nói chung.

Với hiện trạng còn ngổn ngang trăm mối, với những nhu cầu thiết yếu vẫn còn là điều xa xỉ, tiến trình tìm kiếm hòa bình thông qua các giải pháp chính trị vẫn là niềm mong mỏi khắc khoải nhưng cháy bỏng dành cho mảnh đất đã quá nhiều đau khổ này.

Vẫn còn khoảng 11,7 triệu người dân Xy-ri cần được hỗ trợ nhân đạo, ngay trong năm 2019 này - đó là kết luận của bà R.Ghê-la-ni-sô (Reena Ghelanicho), Giám đốc điều hành và vận động của Văn phòng điều phối các vấn đề về nhân đạo thuộc Liên hợp quốc (OCHA). Trong đó, riêng tại khu vực miền tây bắc Xy-ri, nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất của chiến tranh và xung đột trong những năm qua, đã có 2,7 triệu người rất cần được giúp đỡ. Khoảng 40% số trẻ em Xy-ri không được đi học. Khoảng hai triệu người vẫn phải sinh hoạt nhờ vào nguồn nước sạch ít ỏi được tiếp tế.

Trong khi đó, sự khốc liệt của các cuộc giao tranh vẫn còn đang hiện hữu. Tỉnh I-đơ-líp (Idlib) tại miền tây bắc Xy-ri, nơi rất nhiều phần tử khủng bố và thành viên lực lượng nổi dậy tập trung, vừa rung chuyển bởi một vụ đánh bom khiến 15 người thiệt mạng tuần trước, và vẫn đang sẵn sàng trở thành một chiến trường mới.

Bên cạnh đó, tại miền đông Xy-ri, ngày 2-3, Các lực lượng dân chủ Xy-ri (SDF) - nhóm vũ trang đối lập với nòng cốt là các chiến binh người Cuốc (Kurd) cũng đã bắt đầu dốc toàn lực tiến công vào làng Ba-gút (Baghouz), nơi cố thủ cuối cùng của các thành viên lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại khu vực này. Cho dù đã gấp rút sơ tán, vẫn còn không ít người dân mắc kẹt ở đây. Theo truyền thông Xy-ri, rất nhiều trong số họ đã thiệt mạng bởi SDF và liên quân do Mỹ dẫn đầu đã sử dụng phốt-pho trắng (chất bị cấm dùng trong chiến tranh) trong các cuộc pháo kích.

Và trước đó một ngày, quân đội Mỹ đã điều cả binh sĩ lẫn thiết giáp đến đối phó với các cuộc biểu tình lớn ở thành phố Ra-ka (Raqqa), nổ ra với mục đích chống lại sự hiện diện của họ, cũng như SDF và các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn.

Bối cảnh ấy, với “nguy cơ leo thang quân sự cũng như những hậu quả nhân đạo thảm khốc có thể xảy ra”, khiến nhận định của người lãnh đạo OCHA, rằng “việc bảo đảm tiếp cận hỗ trợ nhân đạo một cách bền vững”, được gia tăng thêm rất nhiều sức nặng để trở thành một đòi hỏi cấp thiết.

Cách duy nhất để tháo gỡ và xử lý cuộc xung đột đã kéo dài tám năm ấy là phải nỗ lực đạt được giải pháp chính trị thông qua các cuộc đối thoại do Chính phủ Đa-mát (Damascus) đứng đầu, trong đó đáp ứng nguyện vọng của người dân và bảo đảm quyền lợi của mọi nhóm - cộng đồng xã hội ở quốc gia Trung Đông này.

Song, nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Sự chồng chéo về các xung đột lợi ích, sự xuất hiện các khoảng trống quyền lực và cả những hận thù tích tụ theo năm tháng trong một lò lửa xung đột đã bị quốc tế hóa khiến việc đạt được các điểm thỏa hiệp cần thiết trở nên khó khăn gấp bội, cho dù là với mục đích nào. Một thí dụ: Ngày 4-3, phía A-rập Xê-út (Saudi Arabia) cho biết: Họ “ủng hộ giải pháp chính trị cho Xy-ri”, nhưng “vẫn còn là quá sớm để mở cửa lại Đại sứ quán A-rập Xê-út tại Đa-mát (Damascus)”.

Trong lúc đó, mỗi ngày, những nỗi cơ cực của các phận người bị cuốn vào “cơn binh lửa” lại dày thêm. Mỗi ngày, tiến trình tái thiết cả một đất nước, cũng như xây dựng lại từng cuộc đời, lại chậm thêm một nhịp. Mỗi ngày, có thêm những sinh mệnh, tự nguyện hoặc bị bắt buộc, phải tìm đường chạy trốn. Đầu tháng 2-2019, UNICEF công bố: chỉ trong vòng hai tháng, đã có 32 trẻ em Xy-ri thiệt mạng do bạo lực, thời tiết khắc nghiệt cũng như những gian nan trên đường đi lánh nạn. Hình ảnh đầy ám ảnh về cậu bé nằm trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ năm ấy lại hiện về…

Với nỗ lực của nhóm “Bộ ba A-xta-na (Astana)”, khi lãnh đạo các nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và I-ran (Iran) chủ động “bắt tay phối hợp” với nhau để tìm kiếm giải pháp hòa bình, một bước tiến tích cực đã được thiết lập.

Vấn đề là, với những tiếng kêu cứu thống thiết từ hiện thực, tiến trình ấy cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, gấp gáp hơn nữa. Mà điều đó lại đòi hỏi sự tham gia nghiêm túc cũng như trách nhiệm của mọi cường quốc trên thế giới, trước lời khẩn cầu của lương tri…