Thử thách đích thực

Cuộc chiến quyền lực trên thượng tầng chính trị nước Mỹ bây giờ mới chính thức bước vào chặng “giao tranh” gay gắt nhất. Ngày 26-3 tới, theo Chủ tịch Hạ viện Mỹ N.Pê-lô-xi (Nancy Pelosi), Hạ viện sẽ tiến hành bỏ phiếu nhằm đảo ngược quyền phủ quyết của Tổng thống Ð.Trăm (Donald Trump) đối với dự luật ngăn chặn tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia - vốn đã được hai viện của Quốc hội Mỹ thông qua trước đó.

Để dễ hình dung, có lẽ cần tóm tắt diễn biến sự việc theo trình tự thời gian.

Tháng trước, Tổng thống Mỹ Ð.Trăm đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia - điều cho phép ông có được ngân sách xây dựng bức tường biên giới phía nam giáp Mê-hi-cô (Mexico), qua một số nguồn tài chính mà không cần được sự cho phép của Quốc hội (thí dụ như ngân sách của Bộ Quốc phòng Mỹ dành cho các vấn đề xây dựng).

Sau đó, với 59 phiếu thuận và 41 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật nêu trên, nhằm chấm dứt tình trạng khẩn cấp quốc gia mà ông chủ Nhà trắng ban bố.

Ngày 15-3, Tổng thống Mỹ Ð.Trăm dùng quyền hạn của mình phủ quyết dự luật này - dự luật mà ông cho là “nguy hiểm” và “thiếu thận trọng”.

Và 26-3 tới, sẽ đến lượt Hạ viện vào cuộc.

Quốc hội có quyền thông qua dự luật này. Và tôi có nhiệm vụ phủ quyết nó” - đương kim Tổng thống Mỹ đã nói như thế. Cơ sở lập luận của ông vẫn dựa trên quan điểm: Ðang thật sự có một cuộc khủng hoảng ở biên giới phía nam nước Mỹ, cuộc khủng hoảng về hạn chế người nhập cư trái phép. Là Tổng thống, ông phải ngăn chặn những nguy cơ tiềm tàng cũng như đã hiện hữu quanh vấn đề này.

Ðây cũng là một trong những điểm chính, là lời hứa quan trọng dành cho cử tri trong cương lĩnh tranh cử của Tổng thống Ð.Trăm hồi năm 2016. Vì nó, suốt hai năm qua, chính trường Mỹ đã không ít lần nổ ra những tranh cãi gay gắt, và thậm chí chính phủ Mỹ cũng đã phải đóng cửa một thời gian, bởi một “cuộc chiến tài chính” - điều quen thuộc vẫn thường xảy ra khi có bất đồng lớn giữa Nhà trắng và Ðồi Ca-pi-tôn (Capitol Hill, nơi đặt trụ sở Quốc hội).

Tuyên bố phủ quyết của ông có hợp pháp không? Có! Tổng chưởng lý Mỹ U.Ba (William Barr) xác nhận điều này.

Nhưng ở chiều ngược lại, các đối thủ chính trị của ông cũng còn sở hữu không ít công cụ pháp lý để thay đổi tình hình.

Nếu đạt 2/3 số phiếu ủng hộ, Quốc hội có thể đảo ngược quyền phủ quyết của Tổng thống. Vấn đề là, khác với Hạ viện đã thuộc quyền kiểm soát của đảng Dân chủ sau cuộc bầu cử giữa kỳ, việc đạt được 12 phiếu đồng thuận (đủ để đảo ngược quyền phủ quyết của Tổng thống) từ các nghị sĩ đảng Cộng hòa ở Thượng viện lại không phải là một khả năng chắc chắn.

Có thể phác họa bối cảnh của họ, những nghị sĩ Cộng hòa ấy: Họ phản đối việc Tổng thống sử dụng đến những công cụ quyền lực quá đặc biệt, thường chỉ dùng trong tình trạng chiến tranh, như chuyện tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Song, họ cũng không muốn làm lợi quá nhiều cho đảng Dân chủ.

Trong tương lai, một tổng thống đảng Dân chủ cũng có thể dễ dàng ban hành tình trạng khẩn cấp như vậy, đó là điều cần phải xét đến. Hơn thế, hết năm 2019 này là đã lại bắt đầu một cuộc đua mới vào Nhà trắng. Những cuộc tìm kiếm liên danh tranh cử của những ứng viên đầu tiên đã bắt đầu được triển khai. Ðảng Cộng hòa cũng không thể tự phá hủy các cơ hội của mình, khi chỉ trích quá gay gắt chính sách của một tổng thống “phe mình”.

Trong guồng quay ấy, với những ván bài quyền lực này, sẽ rất khó để tin rằng những khúc mắc lớn được giải quyết triệt để. Và bối cảnh ấy đang thật sự đặt ra cho đương kim Tổng thống Mỹ những bài toán thật sự nan giải.

Ông có thể tự tiên liệu những rào cản đặt ra trước mắt mình, trong thời gian tại vị còn lại, bằng việc tham chiếu hai năm cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống B.Ô-ba-ma (Barack Obama). Sẽ còn tồn tại rất nhiều “mớ bòng bong”, cho đến tận khi một tổng thống mới được bầu lên…